Tỉnh Bình Dương hiện có gần 5.000 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khoảng 53.000 DN trong nước, con số này sẽ ngày càng tăng khi mà nhiều nhà đầu tư đánh giá Bình Dương có môi trường đầu tư tốt, hạ tầng hoàn chỉnh, giao thông thuận tiện… Tuy nhiên, có một thực trạng hiện nay mà cả DN cũng như chính quyền địa phương này đang lo ngại đó là thiếu hụt nguồn nhân lực.
Khó tuyển công nhân
Khảo sát tại các KCX-KCN tại tỉnh Bình Dương cho thấy kể từ sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều DN ở Bình Dương ra sức tuyển lao động để bảo đảm tiến độ các đơn hàng cũ cũng như các đơn hàng vừa ký kết. Để thu hút lao động, nhiều DN cam kết bảo đảm thu nhập (hằng tháng từ 9-12 triệu đồng), chưa kể các khoản phụ cấp (thâm niên, chuyên cần, nhà trọ, sản lượng), song vẫn không tuyển đủ lao động.
Điển hình như Công ty TNHH Pisen (KCN Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên) đưa ra mức lương cơ bản dành cho CN chà nhám, đứng máy là 4,8 triệu đồng/tháng, chưa kể khoản phụ cấp 1,2 triệu đồng. Tổng thu nhập hằng tháng của lao động phổ thông có thể đạt được 12 triệu đồng/người. Ưu đãi là vậy song đến nay DN vẫn không có đủ số CN cần (200 người). Bà Phạm Thị Duyên, Trưởng Phòng Cấp cao sản xuất Công ty TNHH Apparel Far Eastern (KCN Việt Nam - Singapore I, TP Thuận An), cho biết do nhu cầu mở rộng sản xuất nên DN cần tuyển khoảng 2.000 lao động. Tuy nhiên, cả tháng qua công ty không tuyển được lao động nào. "Ngoài ưu đãi về lương, thưởng, công ty còn bố trí xe đến tận nhà đón và hỗ trợ CN tìm chỗ ở. Thế nhưng, chúng tôi vẫn lực bất tòng tâm. Với tình hình này, việc bảo đảm tiến độ các đơn hàng với đối tác gặp rất nhiều khó khăn" - bà Duyên cho biết.
Nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương kê bàn bên lề đường để tuyển công nhân sau Tết
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng lao động trong thời gian đầu năm (bao gồm nhu cầu tuyển dụng lao động mới và tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc) khoảng 40.000 lao động. Trong đó, nhu cầu lao động phổ thông chiếm khoảng 70%.
Cần chính quyền tiếp sức
Lý giải vấn đề khan hiếm lao động, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng việc hình thành các KCN ở nhiều địa phương trên cả nước nên đã kéo theo sự dịch chuyển lao động. Mức lương tối thiểu giữa các vùng không chêch lệch quá lớn cùng với cơ hội việc làm tại chỗ đã giúp người lao động (NLĐ) có thêm sự lựa chọn, thay vì xa quê kiếm sống. Một số lao động mất việc sau khi nhận tiền trợ cấp thất nghiệp kèm các khoản hỗ trợ khác của DN đã về quê nghỉ "xả hơi" chưa muốn trở lại thị trường lao động.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn sau Tết, mới đây, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm (định kỳ 2 phiên/tháng, sàn giao dịch việc làm trực tuyến). Bên cạnh đó là thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ nghỉ việc; đẩy mạnh hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm. Sở LĐ-TB-XH tỉnh cũng đặc biệt lưu ý các DN tiếp tục thực hiện tốt các chế độ lương, thưởng và phúc lợi để giữ chân NLĐ. "Để hỗ trợ tối đa cho DN, ngoài đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tỉnh cũng chủ động liên hệ với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước để ký kết hợp tác cung ứng lao động" - ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, cho biết.
Tại các hội nghị đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với các DN, hiệp hội, ngành nghề, vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất vẫn là về nguồn nhân lực. Ông Kim Won Sik, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Bình Dương (Kocham Bình Dương), cho rằng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất là điều kiện cần để DN phát triển bền vững. Tuy nhiên, cứ sau Tết là các DN đều gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng, dù đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút NLĐ. Để giải bài toán thiếu hụt lao động một cách căn cơ, theo ông Kim Won Sik, nhà nước cần có chính sách khuyến khích lao động quay lại sản xuất, quay lại các trung tâm công nghiệp, điển hình như chính sách hỗ trợ CN tiền thuê nhà mới đây. Bên cạnh đó, các địa phương có nhu cầu tuyển dụng và địa phương có nguồn lao động cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc khảo sát nhu cầu tìm việc, mức lương mà NLĐ mong muốn.
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một DN lớn chuyên gia công giày tại KCN Đồng An cho biết song song với chính sách hỗ trợ của DN, lãnh đạo tỉnh cần thực hiện một số giải pháp để ổn định đời sống NLĐ nếu muốn họ gắn bó lâu dài với địa phương. "Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ CN mua hoặc thuê nhà ở xã hội, bởi có "an cư" thì họ mới "lạc nghiệp". Với số lao động mất việc chưa tìm được việc làm phù hợp, cần có chính sách đào tạo lại nghề và chuyển đổi nghề cho NLĐ" - vị này góp ý.
Các KCX-KCN TP HCM: Cần tuyển 51.000 lao động
Ngày 14-2, ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM, cho biết các DN trong KCX-KCN thành phố đăng ký nhu cầu tuyển dụng đầu năm 2022 là 51.000 lao động. Trong đó, DN vốn đầu tư nước ngoài khoảng 41.000 người, DN trong nước khoảng 10.000 người. Nhu cầu lao động phổ thông khoảng 35.000 người, lao động có tay nghề - trung cấp nghề khoảng 12.300 người và lao động có trình độ từ đại học trở lên khoảng 3.400 người.
Phân chia theo ngành nghề, DN trong các KCX-KCN thành phố có nhu cầu tuyển dụng cao như may mặc (khoảng 18.500 lao động), giày da (8.500 lao động), cơ khí (4.000 lao động), điện - điện tử (2.600 lao động), chế biến (3.000 lao động) và những ngành còn lại khoảng 8.000 lao động. Hiện nay, Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM đang phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố và Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố để hỗ trợ tiếp nhận đăng ký và giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp.
H.Đào
Bình luận (0)