Chất lượng bữa ăn giữa ca đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe lâu dài và năng suất làm việc của người lao động (NLĐ). Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) đã dành sự quan tâm đặc biệt để nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày cho công nhân (CN).
An toàn, đủ chất
Một trong những đơn vị điển hình là HTX Mây tre lá Ba Nhất (quận Bình Thạnh, TP HCM). Bữa ăn giữa ca hằng ngày của NLĐ không chỉ ngon, đầy đủ chất mà còn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Phạm Như Huỳnh, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) HTX, cho biết hiện HTX có 2 xưởng: thiết kế mẫu (đặt tại quận Bình Thạnh) và sản xuất (tại tỉnh Bình Dương). Do diện tích xưởng thiết kế mẫu khá nhỏ, không thể xây dựng bếp ăn tập thể nên ban giám đốc hỗ trợ tiền ăn trưa cho NLĐ với mức 20.000 đồng/ngày/người. Còn tại xưởng sản xuất đặt ở tỉnh Bình Dương, nơi có đông CN ngoại tỉnh làm việc, ngoài xây dựng khu lưu trú, HTX còn đầu tư xây dựng bếp ăn tập thể khá quy mô cho NLĐ.
Không chỉ lo bữa ăn giữa ca, bếp ăn tập thể còn nấu cả các bữa trong ngày cho CN và con cái họ. Đến giờ ăn, CN có thể đến phòng ăn tập thể dùng bữa hoặc đem về phòng để ăn cùng với gia đình. Được bố trí ăn, ở tại nơi làm việc nên tất cả CN làm việc rất phấn khởi. Gắn bó nhiều năm với HTX, anh Lê Thanh Nhân đã xem nơi đây như là nhà thứ hai của mình. "Điều tôi hài lòng nhất là có nơi ở ổn định và hằng ngày được thưởng thức những bữa ăn ngon. Được chăm lo mọi mặt nên chúng tôi an tâm làm việc" - anh Nhân bộc bạch.
Tương tự, tại Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (quận Bình Thạnh), hầu hết NLĐ đặc biệt hài lòng với bếp ăn tập thể và chất lượng bữa ăn giữa ca. Hiện bữa ăn của NLĐ tại công ty trị giá 45.000-50.000 đồng/người/suất. Thực đơn rất phong phú, mỗi bữa ăn sẽ có từ 1-2 món mặn, món xào, món canh và tráng miệng.
Bếp ăn cũng chuẩn bị luôn bữa trưa cho ngày thứ bảy dù NLĐ chỉ làm việc buổi sáng. Đặc biệt, NLĐ không chỉ biết rõ nguồn gốc của thực phẩm đầu vào mà còn có thể trực tiếp góp ý thực đơn hằng ngày. Công ty bố trí phòng ăn trưa vô cùng mát mẻ, thoáng đãng, tạo cảm giác dễ chịu chứ không phải chen chúc chật chội nên NLĐ rất hài lòng. Bà Đỗ Thị Hằng, Chủ tịch CĐ công ty, cho rằng thời gian nghỉ trưa khá ngắn nên việc hình thành bếp ăn tập thể sẽ giúp NLĐ tiết kiệm thời gian để tái tạo sức lao động.
"Chất lượng bữa ăn vô cùng quan trọng với NLĐ. Họ không chỉ cần bữa ăn an toàn mà còn phải ngon và đủ chất. Do vậy, không chỉ thương lượng nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, CĐ cơ sở còn chủ động giám sát việc nấu ăn và thực đơn hằng ngày của NLĐ. Nhờ vậy, tại công ty chưa bao giờ để xảy ra tình trạng ngộ độc" - bà Hằng nói.
Bữa ăn giữa ca của Công nhân Công ty CP APT luôn được ban giám đốc quan tâm. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Lựa chọn nhà thầu uy tín
Hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn sức khỏe NLĐ, nhiều DN sử dụng đông CN rất khắt khe trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp suất ăn hằng ngày. "Nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thực phẩm là do người quản lý DN chủ quan trong việc lựa chọn cơ sở cung ứng suất ăn. Do vậy, việc chọn nhà thầu có uy tín sẽ giúp DN ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm" - một cán bộ Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định.
Từ năm 2017 đến nay, suất ăn trưa của CN Công ty TNHH Nệm Vạn Thành (quận Tân Phú, TP HCM) đã được nâng lên 25.000 đồng. Do chưa có điều kiện tổ chức bếp ăn nên công ty ký hợp đồng với các đối tác cung cấp suất ăn công nghiệp có uy tín. Để kiểm soát chất lượng bữa ăn, hằng ngày, CĐ cơ sở cử người lấy và lưu mẫu suất ăn.
Thực đơn của nhà cung cấp suất ăn được ban giám đốc chuyển xuống từng bộ phận để CN lựa chọn, món nào được số đông đồng ý sẽ được lựa chọn tổng hợp thành thực đơn và sau đó chuyển cho nhà cung cấp. Thông qua CĐ cơ sở, NLĐ có thể góp ý trực tiếp về chất lượng suất ăn. CĐ và ban giám đốc sẽ làm việc với phía nhà cung cấp để kịp thời điều chỉnh. Nhờ giám sát chặt chẽ chất lượng và thay đổi thực đơn thường xuyên nên thời gian qua công ty chưa nhận được phàn nàn từ NLĐ.
Ghé thăm nhà ăn Công ty CP APT - KCN Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM), chúng tôi rất ấn tượng với sự sạch sẽ và cách tổ chức khoa học. Khu vực đặt thức ăn được sắp xếp ngăn nắp với nhiều món còn nóng. CN các bộ phận thay phiên nhau đến chọn món. Bếp luôn chế biến đa dạng món ăn, bảo đảm chất lượng, đúng giờ nên CN luôn được ăn ngon.
Chủ tịch CĐ Công ty CP APT Lê Thị Thùy Trang nhìn nhận: "Không ngừng nâng cao chất lượng chế biến, bảo đảm định mức dinh dưỡng, hợp vệ sinh để NLĐ có bữa ăn ngon là tiêu chí của bếp ăn. Hiện mỗi suất ăn giữa ca của CN có giá 24.000 đồng nhưng giá trị thực cao hơn do công ty tổ chức bếp ăn tập thể tại chỗ và hỗ trợ chi phí cho nhà bếp. Riêng thứ sáu hằng tuần có một "bữa ăn tươi" trị giá 26.000 đồng/suất. Hằng ngày, CĐ và phòng tổ chức triển khai lấy mẫu, lưu thức ăn để kiểm tra chất lượng, vệ sinh nhằm kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn bữa ăn của NLĐ".
Khỏe thì mới làm việc tốt
Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn giữa ca ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và năng suất làm việc của CN. Muốn CN có sức khỏe để làm việc tốt, bữa ăn giữa ca phải bảo đảm chất lượng, đủ chất dinh dưỡng. Thế nhưng, ở không ít DN, tình trạng "khoán trắng" chất lượng bữa ăn giữa ca cho nhà cung cấp khiến xảy ra ngộ độc thực phẩm. Nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra bắt nguồn từ chất lượng bữa ăn của NLĐ.
Từ những thực tế đó, từ năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 7C/NQ-TLĐ về chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý CĐ cơ sở trong khu vực DN và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở (tại nơi chưa thành lập CĐ) khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn giữa ca của NLĐ với mức thấp nhất là 15.000 đồng, đồng thời khuyến khích các DN nâng mức bữa ăn giữa ca cao hơn.
Trong trường hợp DN để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ thì CĐ cơ sở hoặc CĐ cấp trên thực hiện khởi kiện giám đốc DN đó. Qua gần 4 năm triển khai với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống CĐ các cấp, đến nay, tỉ lệ DN có hình thức hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho NLĐ đạt 90,3%; có 2.281 CĐ cơ sở đối thoại, thương lượng nâng giá trị bữa ăn ca lên từ 15.000 đồng/người.
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học - An toàn và Vệ sinh lao động, 90% khẩu phần bữa ăn giữa ca của NLĐ bị thiếu so với nhu cầu tái tạo sức lao động. Chất lượng lương thực, thực phẩm và điều kiện chế biến chưa bảo đảm dẫn đến nhiều vụ ngộ độc tập thể trong CN. Nhiều vụ đình công xảy ra do bữa ăn ca không bảo đảm. Nguyên nhân là nhiều DN, cơ sở chế biến chưa quan tâm, thiếu kiểm tra giám sát, cắt xén quyền lợi của NLĐ.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổ chức tốt bữa ăn giữa ca không chỉ thể hiện sự quan tâm, mà còn là hình thức DN ghi nhận những đóng góp của NLĐ đối với DN. Do vậy, về lâu dài, cần cụ thể hóa việc bảo đảm chất lượng bữa ăn giữa ca trong thỏa ước lao động tập thể thông qua quá trình thương lượng với tổ chức CĐ.
An Chi
Kỳ tới: Quyết liệt với bữa ăn giữa ca
Bình luận (0)