Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Người lao động đang dùng các công cụ trực tuyến để tìm kiếm công việc, chỗ làm mới thay vì đến các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm như trước đây. Khi việc hạn chế tiếp xúc gần để phòng tránh dịch thì trực tuyến đang là sự lựa chọn số 1 của cả doanh nghiệp tuyển dụng và người tìm việc.
Kết nối nhanh chóng, hiệu quả
Có nhu cầu tuyển thêm khoảng 250 nhân viên bán hàng, nhân viên kho vận cho đợt bán hàng mùa Tết, một công ty bán lẻ điện máy trên địa bàn TP HCM đã chuẩn bị chiến dịch tuyển dụng từ đầu tháng 12. Tuy nhiên, khác những năm trước, năm nay công ty chỉ có 1 kênh tuyển dụng là trực tuyến. "Chúng tôi chủ yếu chạy quảng cáo tuyển dụng trên Facebook và các trang tuyển dụng uy tín. Rất may là chỉ sau một tuần, chúng tôi đã tuyển đủ số lượng cần và hiện người lao động đã vào vị trí làm việc. Quả thật, nếu tập trung cho kênh trực tuyến thì hiệu quả tốt hơn" - người phụ trách tuyển dụng cho biết.
Tuyển dụng trực tuyến đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam
Sau vài tháng về quê tránh dịch, đầu tháng 11, anh Đặng Ngọc Triển (27 tuổi, quê Bến Tre) quay lại TP HCM tìm việc. Qua LinkedIn (mạng xã hội kết nối tìm việc) và một số ứng dụng tuyển dụng phổ biến, anh Triển nộp hồ sơ trực tuyến cho một số công ty mà mình cảm thấy phù hợp với năng lực bản thân. Chỉ vài ngày sau, anh nhận được 5 lời mời phỏng vấn online. "Tôi đã hoàn thành tất cả cuộc phỏng vấn trực tuyến qua Zoom và sau đó có 3 công ty mời về làm việc. Cuối cùng, tôi chọn được một vị trí phù hợp nhất. Hiện tôi đã qua được thời gian thử việc" - anh Triển nói.
Hai trường hợp cụ thể trên cho thấy tuyển dụng trực tuyến đang là sự lựa chọn hàng đầu của cả nhà tuyển dụng và người tìm việc. Đây không chỉ là những trường hợp đơn lẻ trong toàn cảnh thị trường tuyển dụng trực tuyến, mà các đơn vị nhà nước cũng đang đẩy mạnh việc số hóa cho công tác tuyển dụng.
Cuối tháng 10 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn và Thanh Hóa. Phiên giao dịch đã thành công khi kết nối được cho hàng trăm lao động có việc làm với mức lương từ 7 triệu đến hơn 10 triệu đồng. Cùng thời điểm đó, sàn giao dịch việc làm trực tuyến của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long cũng tiến hành khá suôn sẻ khi có tới 200 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hàng ngàn vị trí làm việc. Một tháng sau đó, TP Cần Thơ tiếp tục chủ động kết nối với TP HCM và các tỉnh trong khu vực tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến lần 2 và cũng thu được những kết quả đáng khích lệ.
Gợi ý công việc phù hợp
Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc điều hành TopCV - một ứng dụng tuyển dụng công nghệ cao, cho biết tuyển dụng trực tuyến đã khá phát triển ở Việt Nam trong nhiều năm qua nhưng thực sự bùng nổ trong vài năm gần đây, đặc biệt kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Theo ông Hiếu, công nghệ tuyển dụng trực tuyến đã phát triển lên tầm cao mới chứ không đơn thuần là kết nối giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. "Chẳng hạn như ở TopCV, chúng tôi xây dựng nền tảng công nghệ tuyển dụng hỗ trợ tìm việc qua tạo hồ sơ online. Theo đó, dữ liệu thu thập từ hồ sơ sẽ được hệ thống phân tích, đưa ra gợi ý về công việc phù hợp cho ứng viên. Các ứng viên cũng được nhà tuyển dụng chủ động tiếp cận trên cơ sở yêu cầu của họ, mang tới những cơ hội việc làm hấp dẫn. Tính năng gợi ý việc làm thông minh áp dụng trí tuệ nhân tạo giúp việc kết nối nhanh chóng, hiệu quả hơn" - ông Hiếu nói.
Chưa hết, công nghệ tuyển dụng trực tuyến ngày nay còn chú trọng cung cấp nhiều giải pháp dành cho các doanh nghiệp tuyển dụng, tạo ra trải nghiệm và giá trị cho người đi tìm việc. Chỉ khi nào ứng viên được trang bị đầy đủ công cụ như CV, kỹ năng cần thiết (hướng nghiệp, chuyên môn, kỹ năng mềm) thì mới có thể tạo sức hút và tìm được công việc phù hợp. Đây là điểm mới, cũng là quan trọng nhất cho sự phát triển của hình thức tuyển dụng trực tuyến. Ông Trần Trung Hiếu cho biết nếu như trước đây tuyển dụng trực tuyến chỉ phát triển ở các thành phố lớn thì hiện với độ phủ của internet, gần như địa phương nào cũng đã có sự hiện diện của mảng tuyển dụng trực tuyến. Các doanh nghiệp ở tỉnh cũng có thể tuyển dụng người tại địa phương hoặc "săn" nhân sự cấp cao từ các thành phố về làm việc. Ngược lại, người lao động các tỉnh cũng có thể tìm việc tại các thành phố lớn, thậm chí ở nước ngoài một cách dễ dàng.
Đã qua rồi thời làm hồ sơ bằng giấy, đi xin chữ ký, công chứng bằng cấp... Tất cả bây giờ chỉ là những cú nhấp chuột, thậm chí là những cái chạm nhẹ bằng ngón tay cũng có thể cho cả thế giới biết mình đang cần việc làm. Theo ông Trần Trung Hiếu, các bạn trẻ đang tìm việc hãy dành thời gian học hỏi kinh nghiệm được chia sẻ rất nhiều trên những diễn đàn tìm việc trực tuyến để tạo cho mình các hồ sơ đẹp, ấn tượng và chọn những website, app uy tín về tuyển dụng để tìm việc làm.
Bình luận (0)