"Con tôi vốn là lao động chính trong gia đình nhưng kể từ ngày bị tai nạn đến nay, cháu không thể tiếp tục làm việc được nữa. Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, không có nhà ở phải ở nhờ nhà người quen; bản thân tôi già cả, vừa bị tai nạn gãy chân nên chỉ có thể buôn bán vặt để thêm chi phí trang trải cuộc sống. Khi con tôi bị tai nạn, gia đình đã khó khăn lại chồng chất khó khăn nhưng chúng tôi không hề nhận được sự hỗ trợ nào từ phía công ty". Đây là nội dung đơn phản ánh gửi đến Báo Người Lao Động của bà Nguyễn Thị Xuân Mai, mẹ anh Đặng Phi Hòa, công nhân xây dựng tự do ở huyện Hóc Môn, TP HCM.
Thua thiệt vì không có hợp đồng
Theo bà Mai, tuy chỉ là "cò" đất, không có chuyên môn về xây dựng, sửa chữa nhà, cũng không có đủ các phương tiện bảo hộ cho người lao động làm việc nhưng tháng 3-2017, ông D.Q (huyện Hóc Môn, TP HCM) vẫn nhận thầu và thuê anh Hòa cùng 3 công nhân sửa chữa mái tôn cho một căn nhà ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Khi đang làm việc, anh Hòa bị rơi từ mái nhà xuống đất và được những người làm chung đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Theo bác sĩ Bệnh viện 175, anh Hòa bị chấn thương sọ não, gãy xương chẩm, dập não trán hai bên, phải phẫu thuật và nằm trong phòng cấp cứu đặc biệt suốt 24 ngày. Do trước đó hai bên chỉ giao kèo bằng miệng, không ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) nên khi xảy ra sự cố, ông Q. "phủi tay", phớt lờ trách nhiệm, không hề đến thăm hỏi cũng như hỗ trợ bất kỳ khoản tiền nào. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia lao động, vì giữa 2 bên không ký kết HĐLĐ nên việc đòi quyền lợi của anh Hòa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Một buổi hòa giải tranh chấp lao động tại quận 12, TP HCM
Chị Nguyễn Thị Thủy (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Đầu tháng 2-2017, chị được công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh văn phòng ở quận Bình Thạnh, TP HCM tuyển dụng và đưa sang làm tạp vụ tại DNTN May V.M (quận Gò Vấp) nhưng chưa ký HĐLĐ. Giữa tháng 4-2017, chị Thủy bị ngã cầu thang khi đang làm việc, khiến vỡ lún đốt sống lưng và gãy xương vai, phải nằm viện gần 1 tháng, chi phí điều trị hơn 50 triệu đồng.
Trong thời gian nằm viện điều trị, cả 2 đơn vị chỉ đến thăm chị đúng 1 lần và đưa phong bì 2 triệu đồng/đơn vị, sau đó cắt đứt liên lạc. "Bất bình với cách đối xử tuyệt tình của công ty, tôi đã nộp đơn khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, khi phía tòa yêu cầu cung cấp một số chứng cứ như HĐLĐ, bảng lương, thẻ nhân viên..., tôi đều không có. Do vậy, việc kiện cáo đang bị ách lại, giờ tôi không biết phải làm sao để đòi được quyền lợi chính đáng của mình" - chị Thủy rầu rĩ.
Doanh nghiệp tự chuốc rắc rối
Nếu như các trường hợp trên, người lao động (NLĐ) bị thiệt thòi vì không được ký HĐLĐ thì Công ty D.F (quận 2, TP HCM) lại tự gây rắc rối cho mình khi không thực hiện đúng HĐLĐ đã ký với NLĐ, không ký lại HĐLĐ khi thay đổi nội dung. Trước đó, theo phản ánh của chị T.B.H, quản lý trang trại của công ty tại Đà Lạt, vào tháng 6-2016, công ty và chị đã ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm với mức lương 23,5 triệu đồng/tháng. Từ tháng 6 đến tháng 12-2016, chị được công ty trả lương đầy đủ. Thế nhưng, từ tháng 1-2017, công ty cho rằng chị H. không hoàn thành nhiệm vụ nên giảm lương từ 23,5 triệu đồng còn 10 triệu đồng/tháng. Bức xúc, chị H. gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Liêu Thị Phượng, đại diện công ty, lý giải trong thời gian làm việc, chị H. thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại cho công ty hàng trăm triệu đồng. Công ty đã nhiều lần gửi thông báo các lỗi vi phạm, nhắc nhở qua email và tạo nhiều điều kiện để chị H. học hỏi nâng cao năng lực nhưng tình hình không được cải thiện.
Trước tình hình đó, công ty phải tuyển thêm người vào cùng đảm trách công việc với chị H. Do khối lượng công việc đảm trách không còn như trước nên đầu tháng 1-2017, công ty đã đề nghị chị H. ký lại HĐLĐ mới với mức lương 10 triệu đồng/tháng. "Mẫu HĐLĐ mới công ty đã gửi, chị H. nhận và không hề có phản hồi là không đồng ý, chỉ yêu cầu công ty gửi lại bản mô tả công việc. Tưởng NLĐ đồng ý với điều khoản của HĐLĐ mới nên công ty thực hiện luôn vào kỳ trả lương tháng 1. Sai lầm của công ty là đã chậm lấy chữ ký của NLĐ" - bà Phượng nhìn nhận.
Điều đáng nói là dù nhận ra sai lầm nhưng công ty này vẫn không chịu sửa và trả phần lương còn thiếu cho NLĐ. Bức xúc, chị H. đã khởi kiện công ty ra tòa, đồng thời đưa thông tin vụ việc lên Facebook cá nhân và trang web của công ty.
Bình luận (0)