“Tôi không làm đơn xin nghỉ việc nhưng công ty vẫn “căn cứ vào đơn xin nghỉ việc” để chấm dứt hợp đồng. Thật lạ lùng với cách hành xử này”. Đây là bức xúc của chị L.T.S khi bị Công ty K.T (huyện Hóc Môn, TP HCM) cho nghỉ việc. Đáng nói, tình trạng này không phải cá biệt. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã áp dụng “chiêu” này khi muốn cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc.
Doanh nghiệp tự viết đơn thay người lao động!
Giữa chị S. và Công ty K.T ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 1 năm (từ tháng 12-2014 đến tháng 12-2015). Ngày 11-8-2015, công ty thông báo miệng cho chị S. nghỉ việc nhưng không nêu lý do. Đến ngày 13-8-2015, công ty ban hành quyết định cho chị nghỉ việc. Trong quyết định, công ty “căn cứ vào đơn xin nghỉ việc”, căn cứ vào nội dung làm việc giữa chị S. và công ty... Bức xúc vì công ty ngụy tạo căn cứ, chị S. kiện ra TAND huyện Hóc Môn.
Tại tòa, mặc dù hội đồng xét xử nhận định đơn xin nghỉ việc đứng tên chị S. không còn nguyên bản giấy A4 và có cắt xén phần đầu phù hiệu của Công ty K.T... nhưng vẫn tuyên bác yêu cầu khởi kiện của chị S. “Tôi khẳng định không viết đơn xin nghỉ việc và cũng không có buổi làm việc với công ty. Ở Công ty K.T, đơn xin nghỉ việc viết theo mẫu, phần đầu đơn xin nghỉ việc là phù hiệu của công ty, đơn sẽ được gửi đến trưởng phòng hành chính nhân sự. Sau đó, phòng hành chính nhân sự sẽ trình lên ban giám đốc quyết định. Thế nhưng, đơn xin nghỉ việc mà công ty đưa ra là đơn không có phù hiệu do bị cắt xén. Rõ ràng công ty đã ép tôi nghỉ việc. Tôi sẽ kháng cáo để cấp phúc thẩm làm rõ vụ việc” - chị S. nói
Làm giả để hợp thức hóa
Tương tự, chị N.A cũng bị Công ty V.P (TP HCM) cho nghỉ việc căn cứ vào đơn xin nghỉ việc do công ty tự dựng lên. Bức xúc về việc này, chị A. kiện công ty ra tòa. Tại tòa, chị A. bất ngờ khi công ty đưa ra đơn xin nghỉ việc có chữ ký của mình. “Tôi rất muốn làm việc để có thu nhập chăm sóc ba mẹ bị bệnh tật thì cớ gì phải làm đơn xin nghỉ việc? Công ty đã tự làm đơn và giả chữ ký của tôi. Tôi đề nghị tòa án trưng cầu giám định chữ ký để lật tẩy hành vi gian dối của công ty” - chị A. cho biết.
Trong thực tế, việc DN làm giả đơn xin nghỉ việc để hợp thức hóa thủ tục cho NLĐ nghỉ việc rất nhiều. Một số NLĐ muốn bảo vệ quyền lợi của mình nên khiếu nại, khởi kiện khiến vụ việc tưởng chừng đơn giản bỗng trở nên phức tạp và kéo dài.
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, trong nhiều vụ tranh chấp, thực tế cho thấy NLĐ rất cần việc làm; cần tiền để chăm sóc cha mẹ bị bệnh tật, nuôi con... nên không có cơ sở chứng minh họ viết đơn xin nghỉ việc. Thế nhưng, DN lại trưng ra đơn xin nghỉ việc có tên, chữ ký của họ. Việc này rất cần thực hiện công tác giám định để xác định rõ đúng, sai. “Pháp luật lao động có quy định DN được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, vậy thì nên tuân thủ vào các quy định ấy để thực hiện quyền của mình chứ sao lại hành xử lập lờ, thậm chí lừa NLĐ để phải mất thời gian, công sức, tiền bạc vào việc kiện tụng?” - ông Trần Văn Triều nói.
Quy định rõ ràng để tránh rắc rối
Bà Trương Mỹ Hạnh, trưởng phòng hành chính nhân sự một công ty có trụ sở ở TP HCM, cho biết tại công ty bà đang làm, quy trình xin nghỉ việc được quy định rõ ràng: NLĐ điền vào mẫu đơn xin nghỉ việc nộp cho trưởng bộ phận; trong một ngày làm việc, trưởng bộ phận chuyển đơn đến trưởng phòng hành chính - nhân sự. Khi nhận được đơn, phòng hành chính - nhân sự mời người nộp đơn lên làm việc, phân tích, giải thích, lắng nghe nguyện vọng của NLĐ. Nếu NLĐ vẫn cương quyết nghỉ việc, phòng hành chính - nhân sự ký vào đơn, photocopy 1 bản, trả lại bản chính cho NLĐ. Sau đó, đơn xin nghỉ việc sẽ được chuyển lên ban giám đốc. “Để tránh rắc rối, các đơn vị cần quy định cụ thể nội dung và quy trình xin nghỉ việc trong quy chế hoạt động của mình” - bà Hạnh nói.
Bình luận (0)