“Sắp tới, công ty sẽ thuê luật sư khác để làm việc với các cơ quan chức năng và báo chí. Luật sư hiện tại chưa nắm kỹ vụ việc nên công ty phải tiếp cơ quan chức năng và báo chí ngày càng nhiều”. Giám đốc Công ty T.S (huyện Củ Chi, TP HCM) phát biểu như vậy khi chúng tôi liên hệ, tìm hiểu vụ việc sa thải chị N.T.H.
Tìm đủ cách gây khó
Chị N.T.H làm trưởng bộ phận sản xuất của Công ty T.S từ năm 2009. Trong quá trình làm việc, chị H. luôn hoàn thành nhiệm vụ nên được công ty tặng nhiều giấy khen.
Bất ngờ, vào tháng 12-2015, giám đốc công ty mời H. lên làm việc và buộc chị viết đơn xin thôi việc. Không đồng ý với yêu cầu này, chị H. thắc mắc thì giám đốc trả lời: “Công việc hiện tại không còn phù hợp với H. nữa nên nghỉ việc đi”. Thuyết phục nhiều lần không được, công ty dựng chuyện chị H. ăn chặn tiền của anh em công nhân để kỷ luật với hình thức khiển trách. Chị H. khiếu nại. Cơ quan chức năng vào cuộc và kết luận Công ty T.S kỷ luật chị H. trái pháp luật.
Không kỷ luật được H., Công ty T.S tiếp tục “dỗ ngọt” chị viết đơn xin nghỉ việc với lời hứa hỗ trợ tiền lương. Chưa dừng lại ở đó, Công ty T.S tiếp tục “đì” chị H. bằng cách cắt mail, thu hồi dụng cụ làm việc… Sau khi áp dụng các biện pháp trên không hiệu quả, T.S sử dụng “chiêu độc” buộc chị H. làm việc ở nhà ăn của công ty, một mình một bàn, không có nhân viên, không có công cụ, phương tiện làm việc... Chị H. vẫn kiên quyết không viết đơn xin nghỉ việc.
Hết cách, Công ty T.S ban hành quyết định điều chuyển chị H. sang làm công việc bảo vệ. Chị H. vẫn chấp hành. Thế nhưng, qua chỗ làm mới, công ty lại buộc chị H. chăm sóc cây kiểng và cuối cùng ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với lý do “thay đổi cơ cấu”.
Tất cả hồ sơ, chứng lý cho thấy Công ty T.S hành xử quá đáng nhưng khi làm việc với chúng tôi, giám đốc vẫn ngụy biện rằng chị H. làm không được việc mà tiền lương cao ngất ngưởng; không chấp hành sự phân công mà còn ghi âm, chụp hình để tố cáo công ty.
“Công ty đã tiếp nhiều cơ quan chức năng và báo chí nên rất mất thời gian. Công ty đã thuê luật sư để làm việc với các cơ quan chức năng và báo chí nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Sắp tới, công ty sẽ thuê luật sư khác để hầu kiện chị H.” - vị giám đốc này nói.
Dùng thủ đoạn với người lao động
Việc các doanh nghiệp tự gây khó khăn cho mình một phần xuất phát từ thiếu hiểu biết song cũng không loại trừ việc doanh nghiệp tính già hóa non, tưởng người lao động dễ “hù dọa”, nào ngờ kết quả nhận được chỉ là sự phiền phức. Trường hợp ngụy tạo chứng cứ để ép người lao động (NLĐ) của Công ty A.G (Bình Dương) là một ví dụ.
Anh V.T.H vào làm việc tại Công ty A.G nhưng không được ký HĐLĐ. Anh đang làm việc thì bất ngờ nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ với lý do hết hạn HĐLĐ! “Tôi làm việc đã 2 năm, nhiều lần đề nghị ký hợp đồng nhưng công ty không thực hiện. Nay, muốn cho tôi nghỉ, công ty trưng ra bản HĐLĐ có chữ ký của tôi. Tôi khẳng định chữ ký trong bản HĐLĐ là chữ ký giả”. Anh H. cho biết như vậy và đề nghị giám định chữ ký để chứng minh sự giả dối, tráo trở của công ty.
Cũng dùng thủ đoạn để ép NLĐ nghỉ việc, Công ty L.T.M (quận 7, TP HCM) còn làm giả “biên bản không hoàn thành nhiệm vụ” đối với anh Đ.V.S. Muốn thay anh Đ.V.S, giám đốc chi nhánh ở Bình Thuận, nhưng không có lý do chính đáng, công ty ngụy tạo biên bản không hoàn thành nhiệm vụ, đi trễ, bỏ giờ làm việc do các trưởng bộ phận ký và có cả chữ ký của anh. Tuy nhiên việc này đã được tòa án làm rõ. Kết quả, anh S. thắng kiện và nhận được tiền bồi thường gần 100 triệu đồng.
Hành xử quá đáng
Luật sư Cao Thế Luận, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng qua hồ sơ mà Báo Người Lao Động cung cấp, rõ ràng các doanh nghiệp đã hành xử quá đáng. Họ không xem trọng sức lao động và cống hiến của NLĐ.
“Tôi từng làm việc với một doanh nghiệp nước ngoài, khi nói về NLĐ, họ rất biết ơn. Họ đánh giá rất cao sự đóng góp của NLĐ, coi NLĐ là một phần không thể thiếu trong việc phát triển của công ty. Với cách hành xử “vắt chanh bỏ vỏ”, chắc chắn NLĐ sẽ quay lưng với doanh nghiệp” - luật sư Cao Thế Luận nhìn nhận.
Bình luận (0)