Mới đây, TAND quận 1, TP HCM đã tuyên buộc một ngân hàng (NH) có trụ sở tại quận 1 phải xin lỗi công khai và bồi thường tổn thất uy tín, tinh thần hơn 20 triệu đồng cho chị Võ Ngọc Giàu, nhân viên của NH này. Đây là hậu quả của việc điều chuyển nhân sự tùy tiện, trái với thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) của lãnh đạo NH.
Điều chuyển lung tung
Tháng 9-2011, chị Giàu bắt đầu làm việc tại NH ở vị trí trưởng nhóm kinh doanh. Đến ngày 1-9-2013, chị và NH ký phụ lục HĐLĐ thay đổi chức danh công việc là quyền giám đốc Phòng Giao địch Tân Phú - Chi nhánh Tân Bình, TP HCM; sau đó, chị được bổ nhiệm vào vị trí trưởng Quỹ Tiết kiệm Chi nhánh Phú Lâm.
Trong đợt kiểm tra của NH vào tháng 8-2014, phát hiện một số chứng từ thiếu chữ ký của khách hàng, lãnh đạo đã ra quyết định kỷ luật chị Giàu với hình thức khiển trách bằng văn bản. Ngày 29-9-2014, chị Giàu bất ngờ nhận được quyết định điều động và bổ nhiệm chức vụ trưởng nhóm kinh doanh khối khách hàng cá nhân tại hội sở trong thời hạn 1 năm (từ ngày 30-9-2014 đến 29-9-2015). Cho rằng một hành vi vi phạm mà bị xử lý bằng 2 hình thức kỷ luật; hơn nữa, thời gian điều chuyển kéo dài 1 năm là trái pháp luật, chị Giàu gửi đơn đề nghị LĐLĐ quận 1, TP HCM bảo vệ quyền lợi.
Trong 2 phiên hòa giải do LĐLĐ quận 1 tổ chức, phía NH vẫn khăng khăng việc điều chuyển công tác không liên quan đến xử lý kỷ luật và khẳng định vị trí công việc mới của chị Giàu hoàn toàn phù hợp với HĐLĐ đã ký. Không đồng tình, chị Giàu kiện ra tòa. Giữa tháng 9-2015, vụ án được đưa ra xét xử với kết quả như trên.
Tuy nhiên, sự việc không dừng lại đó. Trong thời điểm tòa đang thụ lý vụ án, ngày 4-2-2015, NH lại ra quyết định hủy quyết định điều chuyển ngày 29-9-2014 và ra quyết định điều chuyển mới. Theo đó, vị trí điều chuyển vẫn giữ nguyên nhưng thời gian rút ngắn còn 60 ngày. Giải thích việc này, đại diện NH cho biết do nhận thấy quyết định điều chuyển trước vượt quá thời hạn pháp luật cho phép (60 ngày) nên đổi lại cho đúng. Tuy nhiên, theo chị Giàu, đó không phải là sửa sai mà cố tình điểu chuyển chị làm công việc trái với HĐLĐ thêm lần nữa. “Đáng nói là tổng thời gian thực tế tôi bị điều chuyển trong năm 2015 đã kéo dài tới 4 tháng chứ không phải chỉ 60 ngày. Tôi sẽ tiếp tục nhờ tòa án phân xử” - chị Giàu bức xúc.
Không nên áp đặt
Mới đây, Công ty may S.G (quận Thủ Đức, TP HCM) đã tự gây ra cuộc tranh chấp không đáng có với người lao động (NLĐ) cũng chỉ vì tùy tiện ra quyết định điều chuyển. Chị Trần Thị Thu là nhân viên thống kê của Xí nghiệp 1 thuộc Công ty may S.G. Cuối tháng 8-2015, công ty lấy lý do thay đổi cơ cấu sản xuất nên ra quyết định điều chuyển chị sang Xí nghiệp 3. Chị Thu không đồng ý song công ty vẫn bất chấp khiến chị bức xúc, gửi đơn khiếu nại khắp nơi. Sau những lần làm việc với các cơ quan chức năng, công ty đã phải đình chỉ quyết định điều chuyển để tiếp tục thương lượng với NLĐ.
Theo Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, khi gặp khó khăn đột xuất như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm. Trường hợp muốn chuyển NLĐ thời gian lâu hơn hoặc chuyển hẳn sang làm công việc khác thì phải thỏa thuận và được sự đồng ý của NLĐ. “Người sử dụng lao động không nên xé rào, áp đặt trái với thỏa thuận trong HĐLĐ, điều này sẽ chỉ khiến doanh nghiệp tự chuốc lấy rắc rối cho mình” - ông Triều phân tích.
Bình luận (0)