Tuy nhiên, qua nghiên cứu Luật BHXH năm 2014, tôi thấy còn một số quy định chưa bảo đảm công bằng và nguyên tắc đóng - hưởng đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc.
Điều này thể hiện rõ nhất tại điều 58 quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Nội dung quy định này là: "NLĐ có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH".
Mức trợ cấp này quá thấp so với số tiền mà NLĐ và NSDLĐ đã đóng vào quỹ BHXH hằng tháng (26%; trong đó NSDLĐ 18%, NLĐ 8%). Xin lấy ví dụ một NLĐ có mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 6 triệu đồng, mỗi năm họ đóng vào quỹ BHXH số tiền là 18.720.000 đồng (6 triệu đồng x 26% x 12 tháng). Nhưng khi về hưu, khoản trợ cấp một lần họ nhận được chỉ là 3 triệu đồng (0,5 tháng lương). Như vậy, với trường hợp NLĐ và NSDLĐ đóng thêm 6 năm vào quỹ BHXH (với mức đóng bình quân không thay đổi) thì số tiền phải đóng sẽ là 112.320.000 đồng (18.720.000 đồng x 6 năm) và số tiền trợ cấp một lần nhận được là 18 triệu đồng (3 triệu đồng x 6 năm). Số tiền nhận lại chỉ tương ứng với số tiền đóng trong 1 năm, NLĐ mất hẳn 5 năm đóng (tương đương số tiền 94.320.000 đồng). Điều này không thể hiện đúng bản chất của BHXH là "có đóng - có hưởng, đóng nhiều - hưởng nhiều".
Cá nhân tôi cho rằng sau khi đã đóng đầy đủ vào quỹ BHXH theo Luật BHXH (tương đương 30 năm đóng BHXH hoặc số năm đóng tương ứng với tỉ lệ 75% lương hưu), khoản tiền BHXH đóng dôi ra không ảnh hưởng gì đến quá trình nghỉ hưu cũng như tỉ lệ lương hưu mà NLĐ được hưởng khi về hưu. Do vậy, để bảo đảm sự công bằng, đồng thời khuyến khích nhiều NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, tôi kiến nghị nên sửa đổi quy định này theo hướng NLĐ được quyền lựa chọn đóng tiếp hoặc ngưng đóng BHXH sau khi đóng đủ số năm để hưởng tỉ lệ hưu tối đa 75%. Nếu NLĐ lựa chọn phương án đóng tiếp thì số tiền BHXH này phải được chuyển vào quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung (theo mục 3, điều 4 Luật BHXH năm 2014), đồng thời số năm đóng dư sẽ giải quyết theo 2 hướng. Một là mỗi năm đóng dư BHXH NLĐ được tăng 2% tỉ lệ lương hưu (tương ứng với tỉ lệ lương hưu bị trừ khi nghỉ hưu trước tuổi) nhằm tạo điều kiện mở cho những lao động phải nghỉ hưu sớm vì điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình… Hai là NLĐ được hoàn trả toàn bộ số tiền đã đóng dư vào quỹ BHXH.
Trường hợp NLĐ chọn cách dừng đóng BHXH, họ sẽ được hưởng một số khoản lợi trước mắt, đó là: không phải đóng 8% lương vào quỹ BHXH; khoản lương hằng tháng được tăng thêm 18% (phần BHXH NSDLĐ phải trả cùng kỳ trả lương do NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHXH); vẫn được hưởng tỉ lệ hưu tối đa 75% khi đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định. Tuy nhiên, khi lựa chọn phương án này cần có sự thỏa thuận và thống nhất giữa NSDLĐ và NLĐ bằng văn bản, đồng thời được sự chấp thuận của cơ quan BHXH.
Bình luận (0)