"Công đoàn (CĐ) cơ sở có vị trí, vai trò rất quan trọng trong doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ); là cầu nối quan trọng, là sợi dây gắn kết giữa NLĐ với người sử dụng lao động (NSDLĐ); tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa các chủ thể tham gia quan hệ lao động. Khi vai trò của CĐ cơ sở phát huy hiệu quả, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong DN được đẩy mạnh, đem lại những lợi ích thiết thực cho DN cũng như NLĐ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, uy tín, hình ảnh, thương hiệu của DN trên thị trường" - ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, khẳng định như vậy tại hội nghị "Giải pháp đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để xây dựng CĐ cơ sở vững mạnh, đồng hành cùng DN phát triển sản xuất - kinh doanh" do LĐLĐ TP tổ chức vào ngày 19-6. Hội nghị cũng đã nghe góp ý của 50 DN trên địa bàn TP.
Phải hiểu tâm tư, nguyện vọng đoàn viên
LĐLĐ TP cho biết hiện quản lý gần 17.000 CĐ cơ sở DN ngoài nhà nước (chiếm tỉ lệ 84,81%) với 1.092.000 đoàn viên (chiếm tỉ lệ 79,47%). Trong đó, có 273 CĐ cơ sở tại các DN có từ 500 lao động trở lên (chiếm tỉ lệ 0,02%). Riêng các KCX-KCN TP có 804 CĐ cơ sở với 243.000 đoàn viên; trong đó có 98 CĐ cơ sở có trên 500 lao động với gần 178.000 đoàn viên. Lao động từ các tỉnh khác đến làm việc tại DN trong các KCX-KCN TP là 158.000 (chiếm đến 65%).
Bà Võ Thị Dung (thứ hai từ phải qua), Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, trao đổi với các doanh nghiệp bên lề hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, bà Kiều Ngọc Hoa, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex - Khu Công nghệ cao TP, cho biết DN phải hoạt động hiệu quả, bền vững mới tạo việc làm cho NLĐ, vì thế CĐ cơ sở không chỉ chăm lo mà phải vận động NLĐ chấp hành nghiêm túc kỷ luật, nội quy lao động. Bên cạnh đó, CĐ cơ sở phải có trách nhiệm truyền thông đúng và đủ những chính sách, quyền lợi của NLĐ để tránh những bức xúc, bất mãn của NLĐ do hiểu sai về chính sách của DN. "Cán bộ CĐ không nên ngại việc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho CN, cũng không nên e ngại chủ DN chèn ép. Suy nghĩ của chủ DN và NLĐ có nhiều điểm khác nhau, chưa kể có sự khác biệt về văn hóa nên có những quy định chưa phù hợp. Do đó, DN rất cần những cán bộ CĐ hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của CN và tham mưu, chia sẻ để DN và CN có được tiếng nói chung" - bà Hoa bày tỏ.
Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sanofi Aventis (quận 4, TP HCM), nhìn nhận để CĐ cơ sở vững mạnh, cán bộ CĐ phải xây dựng được niềm tin đối với NLĐ và NSDLĐ. Để làm được điều đó, cán bộ CĐ phải tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi, những vướng mắc tồn tại trong nhận thức của NLĐ và NSDLĐ để xác định những vấn đề trọng tâm, then chốt phải xây dựng, hành động đúng đắn. Muốn thế, đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở phải có bản lĩnh, năng lực, kỹ năng và kiến thức pháp luật. Ông Đạt nhấn mạnh: "Nếu CĐ cơ sở làm tốt vấn đề này, niềm tin của NLĐ và chủ DN đối với CĐ sẽ tăng lên. Khi có vấn đề liên quan đến NLĐ, DN sẽ tham khảo ý kiến CĐ, NLĐ cũng tin tưởng gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của họ".
Hoạt động phải thực chất, hiệu quả
Đó là nhận định của ông Nguyễn Hữu Hiền, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (quận 3, TP HCM), tại hội nghị. Theo ông Hiền, khi tham gia tổ chức CĐ, nhiều NLĐ cứ băn khoăn họ được gì và tại sao họ phải đóng 1% đoàn phí. Vì thế, CĐ cơ sở phải chứng minh cho đoàn viên thấy họ được nhiều lợi ích khi gia nhập tổ chức CĐ. Quan trọng hơn, CĐ phải có sự phân biệt rõ ràng giữa đoàn viên và NLĐ không phải là đoàn viên, có như thế mới khuyến khích được NLĐ gia nhập tổ chức CĐ. Một vấn đề được NLĐ cực kỳ quan tâm là CĐ cơ sở thương lượng với chủ DN để xây dựng thỏa ước lao động tập thể có nhiều điều khoản cao hơn luật. Ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, DN không chỉ thực hiện đúng thỏa ước đã ký kết mà còn thực hiện nhiều điều có lợi cho CN ngoài thỏa ước.
Chuyển từ DN nhà nước sang cổ phần, Công ty CP Khử trùng Việt Nam (quận 1, TP HCM) có sự "thay da đổi thịt". "Ngày trước, khi còn là DN nhà nước, hoạt động CĐ rất sôi nổi nhưng cũng còn hình thức. Khi chuyển sang cổ phần, hoạt động CĐ có im ắng hơn nhưng lại có thực chất. CĐ cơ sở thương lượng cùng DN để hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho NLĐ 35.000 đồng/bữa, tổ chức tham quan, du lịch, hỗ trợ tiền tàu xe về Tết, mua bảo hiểm tai nạn cho NLĐ…" - ông Nguyễn Văn Kiên, giám đốc nhân sự công ty, cho biết.
Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM:
Biết lắng nghe để làm mới
Đây là một chuyên đề thiết thực trước thềm Đại hội CĐ TP lần thứ XI (nhiệm kỳ 2018-2023), LĐLĐ TP phải tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của DN để thảo luận tại đại hội. Tổ chức CĐ phải lắng nghe nhiều hơn để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ bổ sung, sửa đổi các quy định chưa phù hợp thực tế để tạo điều kiện cho DN phát triển và tạo điều kiện cho tổ chức CĐ thực hiện pháp luật. Hoạt động CĐ phải khắc phục được tình trạng hình thức, CĐ cơ sở phải chủ động để đóng góp cho DN những ý kiến hữu ích. Tổ chức CĐ phải thực sự vững mạnh, cán bộ CĐ không chỉ đại diện cho NLĐ mà phải bảo vệ và chăm lo cho sự phát triển của DN. LĐLĐ TP nghiên cứu, phổ biến, trao đổi kinh nghiệm các CĐ cơ sở hoạt động tốt. Đổi mới hoạt động để hoạt động CĐ hiệu quả, thiết thực trong tình hình mới là đất nước chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Bình luận (0)