Khó khăn đó đến từ việc chủ doanh nghiệp (DN) nhiều nơi không thật sự tạo điều kiện để tổ chức CĐ hoạt động hiệu quả. Từ đó cần phải có sự đối thoại và hợp tác giữa lãnh đạo DN và tổ chức CĐ để làm rõ vai trò và lợi ích của các tổ chức này đối với DN cũng như với xã hội, để từ đó có sự quan tâm hơn nữa đến vai trò của các tổ chức đoàn thể trong DN nói chung và vai trò của những thủ lĩnh công nhân (CN) nói riêng.
Thực tế nghiên cứu cho thấy hình ảnh chủ tịch CĐ được tạo dựng trong đội ngũ CN thông qua những thế mạnh riêng của bản thân người thủ lĩnh. Mỗi cán bộ CĐ thường có một sở trường như thể thao, văn nghệ hay quan hệ xã hội… Do vậy, việc tập hợp CN dựa trên các sở trường này thường chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của CN. Điều này dẫn đến rất khó có thể tập hợp một cách đông đảo CN. Để khắc phục, tổ chức CĐ nói chung và thủ lĩnh CĐ nói riêng cần phải đa dạng hóa hoạt động theo hướng liên kết với các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội khác mới có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của CN. Việc ứng dụng công nghệ mới theo trào lưu (như smartphone, mạng xã hội) để tạo những kênh truyền thông chuyển tải nội dung hoạt động, cũng như nắm bắt nhanh chóng kịp thời nhu cầu của CN là hướng CĐ cần nghĩ đến và và đề xuất giải pháp áp dụng trong bối cảnh hiện nay.
"Cán bộ nào phong trào ấy", việc lựa chọn những CN thật sự ưu tú để làm thủ lĩnh CĐ là hết sức quan trọng. Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi đề xuất việc khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho CN đang trực tiếp sản xuất làm đại diện cho anh em CN. Bởi lẽ, chính họ sẽ hiểu tâm tư, nguyện vọng và đồng cảm hơn với đoàn viên là CN hơn là những người lao động đang làm ở khối phòng ban, hành chính vốn có những lợi ích và xu hướng khác. Tất nhiên, để họ có thể đóng vai trò là cầu nói giữa chủ DN với CN, cần phải có cơ chế về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ hợp lý để đội ngũ phát huy được vai trò rất quan trọng của mình.
Bình luận (0)