Kể từ ngày 1-1-2016, khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành, cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn (gọi chung là phường, xã) phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, họ chỉ được hưởng 2/5 chế độ là hưu trí và tử tuất; không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. "Điều này gây nhiều thiệt thòi cho chúng tôi bởi lẽ công việc mà chúng tôi đang làm cũng không khác nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách là bao" - chị Trương Thị Minh Ngọc, cán bộ thường trực khối dân vận thuộc UBND phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM, bày tỏ.
Mất đi quyền lợi chính đáng
Chị Ngọc làm việc tại UBND phường Thạnh Xuân từ năm 2012 theo chế độ hợp đồng, không thuộc biên chế như cán bộ, công chức. Mỗi ngày, chị phải có mặt ở trụ sở UBND phường giải quyết hồ sơ từ sáng đến chiều tối, có khi phải đem hồ sơ về nhà làm mà không kịp nên chị không có thời gian làm thêm bất cứ công việc gì khác. Thế nhưng khi sinh con vào cuối năm 2016, chị không được hưởng chế độ thai sản bởi theo quy định của Luật BHXH, chị không thuộc đối tượng được hưởng chính sách.
Chị Trương Thị Minh Ngọc sinh con nhưng không được hưởng chế độ thai sản
TP HCM hiện có 6.532 cán bộ không chuyên trách phường, xã như chị Ngọc, trong đó có 2.966 nữ (tỉ lệ 45,41%) và 530 cán bộ không chuyên trách là hưu trí (không đóng BHXH). Theo bà Trần Thị Như Phương, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Hội LHPN TP HCM, cán bộ không chuyên trách vẫn phải đi làm 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, thậm chí nhiều người phải đi làm cả thứ bảy, chủ nhật. Chính vì vậy, quyền lợi về BHXH của họ cũng nên được bảo đảm như người hoạt động chuyên trách. Trước đây, khi Luật BHXH năm 2006 quy định đối tượng cán bộ không chuyên trách phường, xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, UBND TP đã ban hành Quyết định 339/2004/QĐ-UB và Quyết định 59/2010/QĐ-UBND chấp thuận cho họ được đóng BHXH bắt buộc thông qua việc ký hợp đồng lao động với hệ số 1,86 và được hưởng tất cả chế độ BHXH bắt buộc gồm: hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Thế nhưng khi Luật BHXH năm 2014 được ban hành, cán bộ phường, xã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nên khoản hỗ trợ này cũng bị ngừng khiến người lao động, đặc biệt là lao động nữ, rất thiệt thòi.
Cách tính lương hưu bất hợp lý
Bên cạnh thiệt thòi vì tham gia BHXH bắt buộc nhưng chỉ được hưởng 2/5 chế độ, các cán bộ phường, xã không chuyên trách còn chịu thiệt trong cách tính lương hưu. Theo quy định, thời gian tham gia BHXH bắt buộc của đối tượng này được tính là thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định. Những người có toàn bộ quá trình tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định và từ năm 2016 trở đi hoạt động không chuyên trách tại phường, xã sẽ được tính lương hưu là bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, do cán bộ phường, xã tại TP HCM hiện đóng BHXH trên nền lương thấp, khoảng 2.418.000 đồng (bằng mức lương cơ sở nhân hệ số lương 1.86) nên khi tính lương hưu đã nảy sinh sự bất hợp lý.
Bà Trương Thanh Phương, Phó trưởng Phòng Chế độ BHXH (BHXH TP HCM), cho biết: "Mới đây, chúng tôi giải quyết chế độ hưu trí cho một trường hợp sinh năm 1962, đóng BHXH 32 năm trong khu vực nhà nước, trong đó có thời gian đóng BHXH theo chức danh người hoạt động không chuyên trách phường, xã từ năm 2016. Nếu tính bình quân tiền lương của cả quá trình đóng BHXH thì lương hưu của người này sẽ là 3,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi tính 5 năm cuối, lương hưu của họ chỉ còn 2,6 triệu đồng/tháng, rất thiệt thòi. Theo tôi, nên điều chỉnh cách tính lương hưu linh hoạt theo hướng chọn cách tính có lợi hơn cho người lao động".
Một thiệt thòi khác đối với người hoạt động không chuyên trách phường, xã là họ không được nâng lương theo niên hạn dẫn đến mức lương hưu thấp. Đã vậy, trường hợp mức lương hưu của họ thấp hơn mức lương cơ sở thì cũng không được bù cho bằng mức lương cơ sở như các đối tượng tham gia BHXH khác. Đây chính là bất cập cần được điều chỉnh.
Đề xuất hỗ trợ
Để bảo đảm quyền lợi cho cán bộ không chuyên trách phường, xã, UBND TP HCM vừa có tờ trình gửi HĐND TP đề nghị trích từ ngân sách TP hơn 2,1 tỉ đồng/năm để hỗ trợ các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho đối tượng này. Nếu được thông qua, họ sẽ được nhận hỗ trợ kể từ ngày 1 -1- 2018.
Bình luận (0)