Phóng viên: Luật BHXH năm 2014 quy định từ ngày 1-1-2018, lao động nữ (LĐN) khi đủ điều kiện hưởng lương hưu (có từ đủ 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi trong điều kiện làm việc bình thường) thì kể từ năm đóng BHXH thứ 16 chỉ được cộng thêm 2% tiền lương bình quân đóng BHXH. Như vậy, có nghĩa LĐN phải đóng BHXH 30 năm thì mới được hưởng mức lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện tại. Theo ông, đây có phải là một bước lùi của chính sách?
- Ông Lê Minh Tấn: Trước hết, chúng ta cần khẳng định có rất nhiều điểm mới trong Luật BHXH 2014 có lợi cho người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị triển khai luật vào cuộc sống đã xuất hiện một vài quy định chưa phù hợp, không như mong muốn của các nhà làm luật cũng như đối tượng tác động.
Cụ thể, việc thực hiện điều 60 Luật BHXH năm 2014 về BHXH một lần. Chính phủ đã lắng nghe, báo cáo, kiến nghị để Quốc hội ban hành nghị quyết về thực hiện chính sách BHXH một lần đối với người lao động.
Về vấn đề lương hưu, việc tăng số năm phải đóng BHXH không chỉ đối với LĐN từ 25 năm lên 30 năm mà cả lao động nam cũng phải đóng từ 30 năm lên 35 năm để được hưởng mức lương hưu tối đa 75%. Chỉ khác là LĐN áp dụng ngay từ năm 2018, không có lộ trình từng năm; còn lao động nam áp dụng theo lộ trình từng năm đến năm 2022.
Mặt khác, trong khi tuổi về hưu vẫn giữ nguyên thì theo tôi, việc thực hiện quy định giảm lương hưu đối với LĐN ngay năm 2018 là chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu đồng bộ về các điều kiện để thực hiện cũng như chưa bảo đảm chính sách bình đẳng giới.
Nhiều ý kiến gửi đến Báo Người Lao Động những ngày qua cho rằng thật bất công và vô lý đối với LĐN khi chỉ sau 1 đêm ngủ dậy đã mất 10% lương hưu. Điều này gây sốc cho cả xã hội chứ không riêng LĐN. Ông có cho rằng một chính sách liên quan đến quyền lợi số đông lao động thì không nên quá đột ngột?
- Tôi rất chia sẻ với LĐN về vấn đề này. Trong quá trình triển khai đưa Luật BHXH 2014 vào cuộc sống, các cơ quan chức năng đã báo cáo UBND TP HCM về một số nội dung cần phải kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trong đó có vấn đề như phóng viên đề cập.
Theo đó, đối với LĐN, cần xem xét để không bị giảm đột ngột mức lương hưu. Nếu vẫn quy định 30 năm đối với nữ phải đóng BHXH thì cần thiết kế theo lộ trình như nam, nếu có giảm thì mỗi năm chỉ giảm 2% là phù hợp, tránh giảm một lúc đến 10%. Điều này là không bình đẳng, dẫn đến việc LĐN sẽ thấy bị thiệt thòi và không công bằng so với lao động nam.
LĐN, nhất là ở khu vực ngoài nhà nước, khó khăn lắm mới có thể đóng BHXH đủ 20 năm để hưởng lương hưu khi đủ tuổi. Việc giảm lương hưu của nữ đột ngột kể từ năm 2018 có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến chính sách BHXH vì người lao động thấy quá thiệt thòi khi đóng BHXH để hưởng lương hưu. Ở góc độ quản lý nhà nước, ông có cho rằng việc giảm lương hưu của LĐN từ năm 2018 là lợi bất cập hại?
- Đầu tháng 7-2017, UBND TP HCM đã có công văn kiến nghị các cơ quan thẩm quyền liên quan đến nội dung này. Trong đó, việc tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc đối với nữ, kiến nghị không tăng ngay từ 25 năm lên 30 năm.
Về phần mình, vào cuối tháng 7 vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP sau khi tiếp nhận phản ánh từ người lao động và doanh nghiệp đã có công văn đề nghị Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn một số nội dung về thực hiện chính sách BHXH, trong đó một lần nữa nhắc lại vấn đề trên.
UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH, BHXH Việt Nam xem xét sửa đổi quy định này theo hướng giảm từ từ hoặc thực hiện như nam giới. Nghĩa là từ năm 2018, thời gian đóng BHXH để được hưởng 45% lương hưu của nữ sẽ tăng dần qua các năm, từ 15 năm lên 16 năm, 17 năm… hoặc không thay đổi so với Luật BHXH năm 2006 cho đến khi việc nâng tuổi hưu được Quốc hội thông qua. Quan điểm của ông thế nào?
- Như tôi đã nói, các cơ quan chức năng đã báo cáo và UBND TP HCM đã có công văn nêu trên. Ngoài nội dung kiến nghị quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc đối với nữ, không tăng ngay từ 25 năm lên 30 năm đối với LĐN thì việc quy định về tăng thời gian đóng BHXH bắt buộc chỉ nên thực hiện khi tuổi lao động đã được kéo dài hoặc chỉ áp dụng đối với những trường hợp người lao động tham gia lực lượng lao động và đóng BHXH bắt buộc từ ngày Luật BHXH 2014 có hiệu lực (1-1-2016). Việc này không làm xáo trộn đột ngột và ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là LĐN cũng như đồng bộ về chính sách giữa BHXH và lao động trong Bộ Luật Lao động.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Bị phản ứng khi chưa có hiệu lực thì phải xem lại
Càng gần đến ngày thực hiện chính sách về cách tính lương hưu theo quy định tại điều 56 và điều 74 Luật BHXH 2014 càng khiến lực lượng lao động, đặc biệt là LĐN bất an, lo lắng. Về cơ bản, Luật BHXH 2014 có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Ví dụ: bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc; kéo dài thời gian nghỉ thai sản hưởng BHXH; hoặc các quy định về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong việc niêm yết công khai việc đóng BHXH của người lao động…
Tuy nhiên, Luật BHXH 2014 cũng có những điểm bất lợi cho người lao động, đặc biệt là LĐN. Thứ nhất, khi muốn được hưởng lương hưu với mức hưởng tối đa 75%, người lao động - bao gồm cả nam và nữ - đều phải tăng số năm đóng BHXH. Trong khi nam có lộ trình được kéo dài đến năm 2022 thì LĐN áp dụng ngay từ ngày 1-1-2018. Nghĩa là LĐN nghỉ hưu trước ngày 31-12-2017 chỉ cần đóng BHXH 25 năm đã được hưởng tối đa 75% lương hưu, còn nếu nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 thì phải đóng BHXH 30 năm mới được hưởng 75% lương hưu. Rõ ràng, điều này gây thiệt thòi cho LĐN rất nhiều.
Kế đó, quy định giảm tỉ lệ hưởng lương hưu từ 3% còn 2%/năm đối với LĐN đóng BHXH từ năm thứ 16 trở đi kể từ ngày 1-1-2018 cũng gây thiệt thòi rất lớn cho LĐN. Hoặc quy định mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì bị trừ 2% tỉ lệ hưởng lương hưu, trong khi quy định hiện hành chỉ là 1%. Vậy là rất thiệt thòi cho LĐN.
Theo tôi, quy định tăng thời gian đóng BHXH chỉ nên thực hiện khi tuổi lao động được kéo dài thêm. Còn bây giờ, dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu có khả năng không được thông qua thì việc tăng thời gian đóng BHXH, đặc biệt là với LĐN, là không nên. Nếu lao động nam có lộ trình thì cũng nên quy định lộ trình cho LĐN chứ không thể áp dụng ngay từ ngày 1-1-2018.
Những ngày qua, có ý kiến cho rằng quy định tại điều 56 và 74 của Luật BHXH 2014 là bất hợp lý, thiếu tính nhân văn với LĐN. Tôi cho rằng đánh giá đó là có lý. Khi luật chưa có hiệu lực mà đã bị phản ứng thì cần phải có đánh giá tác động thật kỹ của chính sách đó đối với tâm tư, tình cảm của người dân nói chung, cũng như của đối tượng bị tác động trực tiếp. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề gì bất hợp lý, Quốc hội có thể ban hành nghị quyết để điều chỉnh trong một khoảng thời gian nhất định, đến khi quy định ấy phù hợp với thực tiễn thì cho phép thực hiện.
Cần biết rằng những chính sách ưu tiên cho LĐN không phải nhằm tạo nên sự bất bình đẳng về giới mà do thực tế hiện nay bất bình đẳng đang có. Vì vậy, những chính sách ưu tiên cho LĐN cần phải tiếp tục duy trì để kéo giảm sự bất bình đẳng đó. Đến khi khoảng cách bất bình đẳng gần ngang nhau thì có thể bỏ sự ưu tiên ấy.
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, nếu có cơ hội phát biểu trên nghị trường, tôi sẽ đưa vấn đề này ra.
V. Duẩn ghi
Bình luận (0)