Ông Lê Đình Quảng cho biết: Năm 2014, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức điều tra và xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ). Theo tính toán của Tổng LĐLĐVN thì kết quả có cao hơn so với kết quả tính toán của bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia (khoảng 3%) và thấp hơn kết quả của Tổng cục Thống kê. Vì vậy, năm nay cũng như các năm trước đây, khi đề xuất mức lương tối thiểu (LTT) vùng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đều chấp nhận và căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của Bộ phận Kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia, chứ không có mức sống tối thiểu của NLĐ do Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra.
Thu nhập thấp, lương không đảm bảo cuộc sống là lý do khiến nhiều công nhân phải tăng ca. Ảnh: T.C.A
Nhu cầu sống tối thiểu là một yếu tố động, rất khó xác định chính xác. Bên cạnh đó, pháp luật chưa quy định các tiêu chí cụ thể để xác định "nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ" cũng như cơ quan có thẩm quyền công bố "nhu cầu sống tối thiểu". Hệ lụy của bất cập này dẫn đến tình trạng mỗi năm các cơ quan chức năng khác nhau lại đưa ra những con số khác nhau về "nhu cầu sống tối thiểu" làm cho việc thương lượng, đàm phán về mức LTT hằng năm của Hội đồng Tiền lương Quốc gia gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam
Thưa ông, xin ông nói rõ hơn về nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ?
- Ông Lê Đình Quảng: Nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ là căn cứ hết sức quan trọng trong việc xác định mức LTT vùng. Điều 91 của Bộ luật Lao động quy định, mức LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện LĐ bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; và khi điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phải căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.
Hiện nay, Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới đang sử dụng phương pháp dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của NLĐ (có tính đến sự thay đổi thói quen tiêu dùng từng thời kỳ) để xác định nhu cầu sống tối thiểu. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng của NLĐ, bao gồm nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nhu cầu phi lương thực, thực phẩm của bản thân NLĐ và nhu cầu nuôi con, cụ thể như sau:
- Nhu cầu lương thực, thực phẩm: Bảo đảm dinh dưỡng (hiện nay là 2.300Kcal/ngày/người), dựa trên "rổ hàng hóa" thiết yếu theo thói quen tiêu dùng.
- Nhu cầu phi lương thực, thực phẩm gồm chi giáo dục, y tế, văn hóa, giải trí nhà ở, năng lượng chất đốt, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, giao thông đi lại, trang phục quần áo, các khoản đóng góp, chi khác...
- Xác định chi phí nuôi con bằng 70% chi phí tối thiểu cho bản thân NLĐ.
Vậy nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia tính toán cụ thể như thế nào?
Căn cứ kết quả điều tra mức sống dân cư (năm 2012) do Tổng cục Thống kê cung cấp và chỉ số giá tiêu dùng hằng năm, Bộ phận Kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tính toán nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ ở các vùng (đơn vị tính triệu đồng/tháng) như sau (Xem bảng):
Nhân đây, cũng cần nói thêm rằng, nhu cầu sống tối thiểu là một yếu tố động, rất khó xác định chính xác. Bên cạnh đó, pháp luật chưa quy định các tiêu chí cụ thể để xác định "nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ" cũng như cơ quan có thẩm quyên công bố "nhu cầu sống tối thiểu". Hệ lụy của bất cập này dẫn đến tình trạng mỗi năm các cơ quan chức năng khác nhau lại đưa ra những con số khác nhau về "nhu cầu sống tối thiểu" làm cho việc thương lượng, đàm phán về mức lương tối thiểu hằng năm của Hội đồng Tiền lương Quốc gia gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần phải quy định các tiêu chí xác định mức sống tối thiểu, cơ quan có thẩm quyền xác định mức sống tối thiểu và thời điểm công bố mức sống tối thiểu, bởi mức sống tối thiểu là căn cứ quan trọng để Hội đồng Tiền lương Quốc gia xác định mức tiền LTT vùng.
Bình luận (0)