Theo ông Hiểu, công nhân ở hai ngành dệt may và da giày làm việc rất vất vả, vì vậy bữa ăn giữa ca đối với họ rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện còn thiếu bộ tiêu chí, đặc biệt là những quy định pháp lý khiến vấn đề cải thiện chất lượng bữa ăn cho công nhân gặp nhiều khó khăn."Cần phải đưa vấn đề bữa ăn ca vào Bộ Luật Lao động sửa đổi tới đây. Bữa ăn ca phải là trách nhiệm của giới chủ, phải bảo đảm cả về chất lượng bữa ăn cũng như an toàn thực phẩm" - ông Hiểu nói.
Bữa ăn giữa ca dành cho công nhân tại Công ty FAPV Ảnh: BẠCH ĐẰNG
TS Đỗ Trần Hải, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, cho biết những năm qua, các cấp Công đoàn đã có nhiều biện pháp thiết thực, chủ động tham gia với người sử dụng lao động nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ góp phần nâng cao thể trạng, sức khỏe của NLĐ. Tuy nhiên, bữa ăn giữa ca của NLĐ tại nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động; chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến chưa tốt dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao; trong quá trình thương lượng tập thể, một số Công đoàn cơ sở chưa quan tâm đưa nội dung bữa ăn ca vào nội dung thương lượng.
Bình luận (0)