Tại Việt Nam, lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp mới đạt 24,5% năm 2020; kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 26-4.
Lao động trẻ khó kiếm việc làm
Báo cáo về thực trạng thị trường lao động Việt Nam, bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực của CIEM, chỉ ra thực trạng lực lượng lao động của Việt Nam đang có xu hướng già đi, lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa. Cụ thể, tuổi bình quân và trung vị của lực lượng lao động Việt Nam tăng lên trong 10 năm qua; tuổi bình quân tăng từ 38 lên 41 tuổi, tuổi trung vị tăng từ 37 lên 40 tuổi. Đáng chú ý, dù lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa song tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng này lại đang ở mức cao.
Theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, số lượng lao động trẻ đang giảm nhưng thất nghiệp trong độ tuổi 15 - 24 thường xuyên ở mức cao. Năm 2019, tỉ lệ này là 6,5%, chiếm gần 40% tổng số người thất nghiệp. Điều này cho thấy hiện lực lượng lao động trẻ rất khó kiếm việc làm trên thị trường, trong khi đây là độ tuổi lao động có thể lực tốt, nhanh nhạy. Đại diện CIEM đánh giá tỉ lệ thất nghiệp của lao động trẻ tăng cũng thể hiện sự bất cập trong giáo dục. Qua đánh giá của CIEM, những năm vừa qua, lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh (lao động tự làm, lao động gia đình không được hưởng lương) sang những công việc mang tính ổn định, bền vững và bảo đảm hơn; từ những ngành nghề đơn giản sang ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn.
Chính sách tiền lương cần sửa đổi gắn với năng lực và hiệu quả lao động Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy nhiên, một thực tế cần phải nhìn nhận là chất lượng nguồn lao động của Việt Nam vẫn còn thấp. Báo cáo của CIEM nêu rõ lao động qua đào tạo của Việt Nam tăng hơn 20%, từ 40% năm 2010 lên 64,5% năm 2020 nhưng đây là bao gồm toàn bộ lao động đã có chứng chỉ và không có chứng chỉ. "Dù tăng mạnh như thế nhưng chúng ta thấy rằng tỉ lệ 64,5% lao động qua đào tạo năm 2020 vẫn chưa đạt mục tiêu chúng ta đề ra trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực là 70% vào năm 2020. Nếu chỉ xét những lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ 3 tháng trở lên, tỉ lệ này chỉ là 24,5% vào năm 2020"- bà Quỳnh nhấn mạnh.
Xây dựng bộ tiêu chuẩn cho từng vị trí việc làm
Từ những thực tế nêu trên, PGS-TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng phát triển thị trường lao động phải gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Theo đó, cần tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phó Viện trưởng CIEM cũng lưu ý Việt Nam cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng thúc đẩy chuyển dịch tích cực các nguồn lực sản xuất sang các ngành, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh hơn, năng suất lao động cao hơn và đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó có nguồn lực lao động. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo lập các điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng lao động, cơ cấu ngành nghề. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của nhà nước trong việc giám sát, điều tiết cung - cầu lao động; kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước, khu vực và gắn với thị trường lao động quốc tế, khu vực ASEAN. Ngoài ra, bà Lê Thị Xuân Quỳnh kiến nghị cần thúc đẩy sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và đào tạo lại lao động; khuyến khích sự tham gia của người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp trong việc thiết kế các chương trình đào tạo (nội dung đào tạo, chuẩn đầu ra) và tham gia đào tạo. Đại diện CIEM cũng nhấn mạnh chính sách tiền lương cần sửa đổi gắn với năng lực, hiệu quả lao động.
"Để làm được điều đó cần đổi mới công tác đánh giá hiệu quả công việc của người lao động bằng cách xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá thực hiện công việc (KPI) cho từng vị trí việc làm" - bà Quỳnh đề xuất.
Bình luận (0)