Bà Quyết Tâm cho rằng khi muốn mở rộng khung giờ làm thêm tối đa cần xét đến tiêu chí ưu tiên đó là quyền con người và đặt trong tổng thể nền kinh tế cũng như mối quan hệ quốc tế. Nếu quy định đặt ra chỉ để giải quyết vấn đề kinh tế trước mắt hay giải quyết bài toán tăng năng suất lao động sẽ rất dễ đưa ra chính sách không phù hợp, tạo ra sức ỳ cho doanh nghiệp (DN) và họ sẽ không chịu đầu tư, đổi mới công nghệ. Thực tế cho thấy, số DN hiện nay chịu đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến, "cày" mười mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày, thế thì còn gì là con người nữa
Con người là tài sản vô giá của DN, DN không thể tồn tại nếu không có người lao động (NLĐ) nhưng ngược lại thiếu DN nền kinh tế không thể phát triển được. Giữa DN và NLĐ có mối quan hệ mật thiết với nhau và bản thân NLĐ không thể tự tạo nên giá trị và năng suất lao động mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường lao động, tư liệu lao động… từ phía DN. Do đó, NLĐ được chăm lo tốt, được tạo điều kiện nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động tốt thì năng suất lao động tăng, mà năng suất lao động sẽ làm nên giá trị của chính DN đó.
"Một trong những lý do đưa ra khi đề xuất tăng khung giờ làm thêm tối đa là đáp ứng nhu cầu tăng thu nhập của NLĐ. Thế nhưng khi nêu lý do này tại sao chúng ta không đặt vấn đề trách nhiệm DN trong việc cải thiện thu nhập cho NLĐ, vốn được xem là tài sản vô giá của DN, để họ đủ sống chứ không phải "cày" mười mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày, thế thì còn gì là con người nữa. Con người có quyền được nghỉ ngơi, học tập, giải trí và tham gia các mối quan hệ xã hội… đồng thời trong xu thế của thế giới là giảm giờ làm, tăng tiền lương, nước ta đi ngược lại là tăng giờ làm, giảm thu nhập là khó chấp nhận. Cho nên khi xây dựng chính sách phải nhìn một cách toàn diện, phải phù hợp với xu thế phát triển xã hội và chính sách được xây dựng phải tiến bộ hơn trước, còn nếu đi thụt lùi là tiêu cực" - bà Quyết Tâm, bày tỏ.
Bình luận (0)