Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (ăn uống, nhà hàng tiệc cưới, sân golf…) nên sau khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Long Biên (quận Gò Vấp, TP HCM) đã phải tạm ngưng kinh doanh và cho hầu hết người lao động (NLĐ) nghỉ việc từ 31-5 đến nay. Điều đáng quý là dù tạm ngưng hoạt động trong thời gian dài nhưng ban giám đốc vẫn cố gắng phối hợp với Công đoàn cơ sở chăm lo cho NLĐ.
Đồng cam cộng khổ
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết do đặc thù ngành nghề nên mỗi khi dịch bùng phát, doanh nghiệp (DN) phải tạm ngừng hoạt động và đợt dịch lần thứ tư này cũng không ngoại lệ. Ban giám đốc phải cho phần lớn NLĐ tạm ngừng việc, chỉ giữ lại một bộ phận công nhân (CN) chăm sóc cảnh quan. Số CN này được bố trí ở lại khu lưu trú trong khuôn viên của DN và được hỗ trợ 3 bữa ăn/ngày. Đối với hàng trăm NLĐ khác đang phải tạm ngừng việc, công ty vẫn cố gắng cân đối tài chính để bảo đảm thu nhập 4,27 triệu đồng/người/tháng.
Với mong muốn tiếp sức NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn, ban giám đốc công ty còn có nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực khác. Điển hình là việc cho NLĐ khó khăn vay không lãi 5 triệu đồng/người. Sau khi làm việc trở lại, NLĐ chỉ cần trả góp từ 500.000-1 triệu đồng/tháng tùy theo hoàn cảnh. Ban giám đốc và Công đoàn đang rà soát trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, ở nhà thuê hoặc có con nhỏ để hỗ trợ thêm. Tổng kinh phí chăm lo khoảng 200 triệu đồng. Công đoàn cơ sở cũng đang vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thực phẩm, rau củ quả cho NLĐ. "Suốt hai năm qua, cả DN và NLĐ đều bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, ban giám đốc vẫn gắng sức để chăm lo cho NLĐ. Đáp lại tấm chân tình ấy, tập thể NLĐ sẵn sàng đồng cam cộng khổ với DN. Chỉ mong dịch bệnh được khống chế để NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định" - bà Hằng bày tỏ.
Cán bộ Công đoàn Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Long Biên (bìa trái), tặng thực phẩm cho công nhân khu lưu trú
Tương tự, hoạt động kinh doanh của Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (quận Bình Thạnh) cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đợt dịch lần thứ tư này. Hiện DN đang áp dụng hình thức làm việc tại nhà với khối văn phòng và "3 tại chỗ" với một nhóm nhân viên kinh doanh. Riêng một số bộ phận không thể làm việc tại nhà thì phải ngưng việc tạm thời. Theo bà Đỗ Thị Hằng - Giám đốc kinh doanh, Chủ tịch Công đoàn công ty - để bảo đảm cuộc sống cho NLĐ, DN vẫn chi trả từ 70%-100% tiền lương cho các bộ phận làm việc online, nhóm làm việc "3 tại chỗ" cũng được trả 100% tiền lương và có hỗ trợ thêm; riêng những lao động phải tạm ngưng việc được chi trả 50% tiền lương và không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Để động viên NLĐ, thời gian qua, Công đoàn đã triển khai 2 đợt hỗ trợ cho NLĐ khó khăn gồm hỗ trợ bằng tiền mặt (1 triệu đồng) cho 46 trường hợp và tặng nhu yếu phẩm (25 kg gạo, đường, nước tương, nước mắm…) cho hơn 80 trường hợp khác. Công đoàn cũng liên tục tiếp tế thực phẩm cho NLĐ làm việc "3 tại chỗ" nhằm bảo đảm sức khỏe lâu dài cho họ.
Lo ăn ở, bảo đảm thu nhập
Do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế không thể tổ chức sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" nên Công ty CP May da xuất khẩu 30/4 (quận Phú Nhuận) đã phải cho hàng trăm CN tại 3 xưởng sản xuất ở TP HCM và tỉnh Bến Tre tạm ngừng việc từ ngày 15-7. Riêng đội ngũ giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục (trực thuộc công ty) đã nghỉ việc từ trước đó.
Theo bà Bùi Thị Xuân Huệ, Chủ tịch Công đoàn công ty, dù bị thiệt hại nặng nề nhưng ban giám đốc DN nỗ lực có các giải pháp hỗ trợ NLĐ. Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Tư thục Mặt Trời Hồng, đáp ứng nguyện vọng của đội ngũ nhân viên và giáo viên, công ty không tạm hoãn hợp đồng mà chi trả 50% tiền lương cho họ. CN trực tiếp sản xuất được tạm ứng lương 2 triệu đồng mỗi tháng.
Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến Hợp tác xã (HTX) Mây tre lá Ba Nhất (quận Bình Thạnh, TP HCM) tạm ngưng phần lớn hoạt động sản xuất hai nhà máy ở TP HCM, tỉnh Bình Dương và cho NLĐ tạm ngừng việc kể từ khi hai địa phương trên áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ giao hàng cho đối tác, HTX phải giữ lại một bộ phận NLĐ làm việc. Toàn bộ số lao động này được bố trí ở khu lưu trú nhà máy tại tỉnh Bình Dương. Ông Phạm Như Huỳnh, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết khi dịch bùng phát từ năm 2020, HTX cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, ban giám đốc đã cố gắng tìm kiếm đơn hàng để duy trì việc làm cho họ trong suốt hơn một năm qua. Trong đợt dịch này, khi buộc phải tạm ngưng hoạt động một số bộ phận, ban giám đốc đã phải cân nhắc rất nhiều, nhất là vấn đề chi trả lương cho NLĐ. Với hơn 100 lao động đang phải tạm ngừng việc, HTX chi trả từ 40%-50% tiền lương tùy theo bộ phận. Riêng với những NLĐ tạm ngừng việc nhưng vẫn ở trong khu lưu trú, HTX sẽ chăm lo 3 bữa ăn trong ngày cho cả gia đình họ.
Bình luận (0)