Thời gian này, tại Công ty CP Công viên nước Đầm Sen, nhiều người lao động (NLĐ) đang gấp rút làm thủ tục để chuẩn bị cho 2 chuyến tham quan, học tập tại Đài Loan và Nhật Bản vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Đây là chế độ chăm lo đặc biệt tại doanh nghiệp (DN) nhằm tạo điều kiện cho nhân viên được học tập thêm kiến thức cũng như có thời gian nghỉ ngơi sau quá trình làm việc, cống hiến hết mình.
Đãi ngộ thỏa đáng
Theo ông Trương Tấn Vũ, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) công ty, chủ trương cho đi tham quan, học tập ở nước ngoài là chính sách đặc biệt dành cho những NLĐ công tác lâu năm và có cống hiến cho đơn vị. Đến nay, hầu hết NLĐ làm việc trên 5 năm đều có cơ hội được cử ra nước ngoài học tập.
Chị Dương Thị Hằng, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Công ty CP Công viên nước Đầm Sen, tư vấn cho người lao động
Bên cạnh chính sách chăm lo này, hằng năm, công ty còn tổ chức nghỉ mát định kỳ cho NLĐ, đặc biệt lao động nữ còn được cho đi dã ngoại ngắn ngày vào dịp 8-3 hay 20-10. Ông Vũ cho biết thêm: "Nhu cầu của NLĐ không chỉ là thu nhập mà còn nhiều giá trị khác, như được tạo điều kiện để thăng tiến, được bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi phù hợp. Hiểu được điều đó, nhiều năm qua, bên cạnh chi trả cho NLĐ mức thu nhập khá, ban giám đốc công ty còn thương lượng với CĐ để xây dựng hệ thống chính sách phù hợp nhằm chăm lo tốt nhất cho NLĐ". Điển hình như việc quản lý chất lượng bữa ăn giữa ca được ban giám đốc và CĐ phối hợp giám sát chặt chẽ. Mỗi buổi sáng, bà Dương Thị Hằng, Trưởng Ban Nữ công của CĐ cơ sở, sẽ kiểm tra nguồn gốc, chất lượng đầu vào thực phẩm. Thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc độ tươi không đạt sẽ bị trả lại cho nhà cung cấp. CĐ còn mở "Sổ ghi chép" chất lượng bữa ăn. Sau mỗi bữa, NLĐ và tổ trưởng CĐ có thể đóng góp ý kiến về từng món ăn trong ngày. Những món bị phàn nàn sẽ được thay thế hoặc chế biến sao cho phù hợp với nhu cầu của NLĐ. Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ này mà NLĐ không phải lo lắng về độ an toàn cũng như chất lượng bữa ăn giữa ca.
Điều đặc biệt khác tại đơn vị là hầu như NLĐ có thể sống tốt với khoản thu nhập hằng tháng mà không phải tăng ca. Bà Hằng cho biết giờ làm việc của đơn vị cố định nên hầu hết nhân viên không phải tăng ca trong năm. Trong những tháng thấp điểm, NLĐ được nghỉ cố định vào thứ ba hằng tuần, còn những tháng cao điểm thì từng bộ phận sắp xếp công việc để bảo đảm tất cả anh em trong tổ đều được nghỉ 1 ngày trong tuần. Nhờ vậy mà NLĐ có thời gian chăm sóc gia đình ngoài giờ làm việc. Làm việc tại công viên nước hơn 10 năm, ông Thái Văn Thân chưa từng nghĩ đến "nhảy việc". Ông chia sẻ: "Dù chỉ là nhân viên dọn dẹp, cắt cây… nhưng tôi có mức thu nhập ổn. Ở đây, môi trường làm việc thân thiện. Những lúc ốm đau, bệnh tật, tôi luôn được ban giám đốc, CĐ và đồng nghiệp hỗ trợ. Đó là điều tôi hài lòng nhất".
Vì lợi ích đoàn viên
Tại Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre, sự phối hợp ăn ý của CĐ và ban giám đốc DN cũng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho NLĐ.
Ông Phạm Viết Bằng, Chủ tịch CĐ công ty, nhìn nhận hoạt động CĐ rất nền nếp, góp phần vào sự ổn định và phát triển của DN. Thế nhưng, từ tháng 6-2017, công ty có sự thay đổi lớn về cổ đông khi CJ Cheiljedang Corporation (Hàn Quốc) mua 71,6% cổ phần của Cầu Tre và trở thành cổ đông lớn nhất. Để thích ứng với sự thay đổi này, CĐ buộc phải thay đổi cách nghĩ lẫn cách làm để có thể tìm được tiếng nói chung với chủ đầu tư mới. Chính nhờ sự nhạy bén ấy mà hai bên đã có sự hợp tác tích cực nhằm mang lại lợi ích cho NLĐ. Hàng loạt chính sách chăm lo cho NLĐ được duy trì và nâng cao như: hỗ trợ ít nhất 3 tháng lương cho NLĐ về hưu, nghỉ mất sức; tăng 10% lương cố định cho NLĐ vào tháng 3 hằng năm, thưởng lương tháng 13…
Song song đó, các hoạt động gắn kết NLĐ và DN cũng được thường xuyên tổ chức như "Phiên chợ đồ cũ". Hoạt động này bắt nguồn từ ý tưởng của ông Roh Woong Ho, Tổng Giám đốc công ty. NLĐ sẽ mang vật dụng không còn sử dụng trong gia đình mình đến, ai có nhu cầu mua thì bỏ tiền vào ống heo của phiên chợ với mức giá phù hợp túi tiền. Kết thúc phiên chợ, toàn bộ số tiền thu được sẽ chuyển vào quỹ CĐ để sử dụng cho các hoạt động chăm lo cho đoàn viên như xây dựng mái ấm, tặng quà cho công nhân khó khăn… Hoạt động này được duy trì tổ chức mỗi 2, 3 tháng một lần nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân và tạo thêm nguồn kinh phí cho CĐ trong những hoạt động hướng về NLĐ.
DN và NLĐ chỉ tin khi tổ chức CĐ làm được nhiều việc làm mang lại lợi ích thiết thực cho họ. Do vậy, việc tìm tiếng nói chung với người sử dụng lao động trong hoạt động chăm lo cho NLĐ không chỉ giúp tổ chức CĐ nâng cao uy tín mà còn khẳng định vị thế vững chắc tại DN".
Ông Kiều Ngọc Vũ (Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM)
Bình luận (0)