Nhận dọn dẹp 2 căn nhà gần nơi thuê trọ nên vừa tan ca, chị Thạch Thị Sareng, công nhân (CN) Công ty TNHH Thương mại Phát triển Đức Tân (quận Bình Thạnh, TP HCM), đã vội vã rời chỗ làm. Sau khi đến trường đón con và lo bữa tối cho gia đình, chị nhanh chóng đến nơi làm thêm cho kịp giờ.
Vất vả kiếm sống
Công việc dọn dẹp nhà cửa giúp chị Sareng kiếm được 50.000 đồng/giờ. Khoản tiền này không ổn định bởi khi nào công ty không tăng ca thì chị mới nhận làm.
Vợ chồng chị Sareng đều là lao động ngoại tỉnh. Lương CN chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, còn thu nhập từ việc phụ hồ của chồng rất bấp bênh. Hằng tháng, vợ chồng chị phải gửi về quê khoảng 5 triệu đồng để phụ cha mẹ nuôi 2 con. Đợt dịch Covid-19 năm rồi, cả hai vợ chồng chị đều thất nghiệp, phải vay 15 triệu đồng để xoay xở, đến nay chưa trả hết. "Tháng này chủ nợ buộc phải trả dứt điểm, tôi đang lo vì không biết kiếm đâu ra tiền" - chị buồn bã.
Chị Nhung nhận gia công kẹp tóc tại nhà để kiếm thêm “đồng vô đồng ra”. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Từ Tết Nguyên đán đến nay, do công ty không tổ chức tăng ca nên thu nhập của chị Lý Thị Nhung - CN một công ty nhựa tại quận Bình Tân, TP HCM - chỉ 5-6 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng là CN, hai vợ chồng đang ở nhà trọ và nuôi con nhỏ nên cuộc sống khá chật vật, hầu như không có khoản tích lũy.
Để kiếm thêm thu nhập phòng lúc hữu sự, ốm đau, chị Nhung nhận gia công kẹp tóc tại nhà buổi tối. Với mỗi lố kẹp thành phẩm, chị được trả 4.000 đồng, mỗi tối làm được 8-20 lố, kiếm được từ 1-2,4 triệu đồng/tháng. "Vất vả thức khuya làm cả tháng mới kiếm được chừng ấy tiền nhưng chỉ cần một trận ốm của con hay đi vài đám đình thì công làm 1 tháng cũng bay vèo" - chị Nhung than thở.
Trưa chủ nhật, chúng tôi ghé thăm sạp bán quần áo của chị Trần Thị Tuyết (quê Nghệ An) ở chợ Chí Hùng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Khệ nệ mang từng thùng áo quần mới nhập về để kịp treo lên kệ, vuốt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt hốc hác, người phụ nữ ngoài 30 tuổi này nói với tôi: "Giờ mà không làm thêm thì không đủ tiền nuôi con ăn học, rồi còn phụng dưỡng cha mẹ già hai bên nữa. Mệt thì mệt thật nhưng có việc để làm là vui rồi".
Chị Tuyết là CN Công ty CP A. (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Nhiều năm nay, để cải thiện thu nhập, chị thuê một sạp trong chợ Chí Hùng để bán quần áo sau giờ làm. Trừ tiền thuê sạp, mỗi tháng chị kiếm được 5 triệu đồng, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt và có thêm chút đỉnh gửi về quê phụ giúp cha mẹ nuôi con nhỏ.
"Con tôi ở với ông bà nội từ lúc 6 tháng tuổi. Cả năm hai vợ chồng mới về thăm con một lần vì đi lại quá tốn kém. Vợ chồng tôi mong một ngày nào đó, khi cuộc sống ổn định sẽ đón con vào ở với mình" - chị Tuyết bày tỏ.
Gắng gượng vì con
Chị Nguyễn Thị Hồng Hương (quê Quảng Trị) đang làm CN Công ty TNHH MTV Kad Industrial S.A Việt Nam (KCN Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Hơn 10 năm xa quê lập nghiệp, vợ chồng chị vẫn phải sống trong căn phòng trọ hơn 15 m2. Không những chưa thể hiện thực hóa ước mơ mua nhà riêng, số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng còn bị bào mòn do dịch bệnh và vật giá leo thang chóng mặt.
Thu nhập mỗi tháng của chị Hương chỉ hơn 6 triệu đồng, cộng với đồng lương thợ hồ bấp bênh của chồng - anh Phạm Văn Đông, 2 người cố gắng dè sẻn nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Sợ con nhỏ khát sữa, chị Hương và anh Đông nhận phụ việc tại một quán ăn gần nhà. Chị phụ bàn còn anh giữ xe, con nhỏ thì gửi hàng xóm trông giúp. Công việc vất vả kéo dài đến rạng sáng nhưng hai vợ chồng chỉ kiếm thêm gần 4 triệu đồng/tháng.
Thu nhập từ việc bán quần áo giúp chị Trần Thị Tuyết (bên trái) tạm an tâm với cuộc sống. Ảnh: THẢO NGUYỄN
Nhiều hôm, chị Hương đến công ty làm việc với tâm trạng uể oải do mất ngủ. Đường kim mũi chỉ đôi lúc chểnh mảng, bị khiển trách, chị chỉ biết cười trừ. "Cứ cố gắng đến khi nào không được nữa thì cả nhà dọn về quê với nội ngoại. Chỉ buồn cho mấy cháu nhỏ, không được sống, học tập tại thành phố để có cơ hội đổi đời" - chị Hương băn khoăn.
Hôn nhân đổ vỡ, chị Bạch Thị Hằng, CN Công ty TNHH KB Việt Nam (quận 12, TP HCM), một mình nuôi 2 con. Khoản thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng không đủ trang trải cuộc sống 3 mẹ con nên sau giờ làm ở công ty, chị bán thêm trà, cà phê… online. Thu nhập từ công việc tay trái này cũng tạm đủ để chị trang trải chi phí sinh hoạt cho 3 mẹ con.
Mới đây, chị Hằng phát bệnh ung thư buồng trứng, phải phẫu thuật và điều trị rất tốn kém, cuộc sống của 3 mẹ con thêm ngặt nghèo. Dù phải vật vã sau những đợt vô thuốc nhưng chị vẫn gắng gượng đi làm và duy trì việc bán hàng online để có đồng "vô đồng ra" lo cho các con.
Mong muốn bức thiết nhất của công nhân là sớm tăng lương tối thiểu
Sau 2 tuần triển khai lấy ý kiến người lao động (NLĐ) để chuẩn bị cho Chương trình Thủ tướng đối thoại với CN - dự kiến tổ chức trong Tháng CN, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được gần 10.000 ý kiến, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.
Trong đó, việc Chính phủ sớm tăng lương tối thiểu và thời điểm tăng là vào ngày 1-7-2022 được NLĐ kiến nghị nhiều nhất. Bên cạnh đó, NLĐ còn kiến nghị về các nội dung liên quan chính sách nhà ở xã hội cho CN và các thiết chế phục vụ NLĐ; chính sách hỗ trợ NLĐ đào tạo, nâng cao tay nghề để cải thiện việc làm, thu nhập; tín dụng "đen" và những chính sách lâu dài để giúp CN được tiếp cận nguồn quỹ tín dụng của nhà nước hoặc nên có quỹ tín dụng dành riêng cho NLĐ; giải quyết sớm các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với NLĐ, như gói hỗ trợ NLĐ ngừng việc theo Nghị quyết 68/NQ-CP, gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg...
"Điều quan trọng nhất hiện nay là cần tạo động lực để NLĐ làm việc với năng suất cao, lao động tốt, đáp ứng giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế. Do vậy, tăng lương không chỉ là mong mỏi chính đáng của NLĐ mà còn làm lợi cho cả người sử dụng lao động, nhất là trong bối cảnh đang thiếu lao động. Thực tế cho thấy nơi nào doanh nghiệp chăm lo tốt, ở đó NLĐ gắn bó và làm việc hiệu quả" - ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhìn nhận.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-6
Kỳ tới: Tăng lương tối thiểu càng sớm càng tốt
Bình luận (0)