Phóng viên: Pháp luật hiện hành quy định rất nhiều biện pháp chế tài doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, chẳng hạn: tính lãi chậm nộp¸ xử phạt hành chính, khởi kiện DN nợ ra tòa, xử lý hình sự... nhưng tình trạng DN nợ BHXH vẫn diễn biến phức tạp. BHXH TP đã có biện pháp gì để khắc phục?
- Bà NGUYỄN THỊ THU: Thời gian qua, BHXH TP HCM đã và đang thực hiện rất nhiều giải pháp để ngăn chặn từ đầu tình trạng DN nợ đọng BHXH, từ tuyên truyền vận động, đôn đốc thu hồi, kiểm tra những đơn vị có dấu hiệu vi phạm. Định kỳ hằng tháng, cơ quan BHXH còn rà soát các đơn vị nợ BHYT quá 30 ngày và thực hiện khóa thẻ BHYT, đồng thời công bố danh sách trên trang web BHXH TP để nhắc nhở đơn vị khắc phục. Ngoài ra, BHXH TP còn tăng cường việc chia sẻ thông tin với cơ quan thuế để từ đó đối chiếu, lọc ra những đơn vị nào có sự chênh lệch về số tiền đóng. Trên cơ sở này, BHXH sẽ kiểm tra và kết hợp xử phạt hành chính, xử lý hình sự những DN vi phạm.
Người lao động (NLĐ) cần làm gì để giám sát quyền lợi của mình, thưa bà?
- NLĐ phải nâng cao kiến thức pháp luật để vừa có thể giám sát việc DN thực hiện nghĩa vụ trích nộp BHXH vừa bảo vệ quyền thụ hưởng của bản thân. Với trách nhiệm của mình, ngoài trả sổ BHXH cho NLĐ giữ và thông báo công khai giá trị sử dụng thẻ BHYT và quá trình BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tại Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức để NLĐ hiểu rõ hơn nghĩa vụ, quyền lợi về BHXH, BHYT. Làm tốt song song 2 biện pháp này không chỉ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của DN mà còn giúp NLĐ bảo đảm quyền thụ hưởng.
Bình luận (0)