Tại hội nghị người lao động (NLĐ) tổ chức mới đây, khi đại diện Công đoàn (CĐ) cơ sở đề xuất đưa các khoản phụ cấp thâm niên, tay nghề và năng suất vào thỏa ước lao động tập thể, ông Lý Chí Bình, Giám đốc Công ty May mặc An Khang (tỉnh Bình Dương), đồng ý ngay.
Đồng cam, cộng khổ
“Thời gian qua, nếu không có sự đồng cam cộng khổ của anh em công nhân (CN) thì công ty khó trụ vững. Mấy tháng nay, đơn hàng dồi dào, công ty đã có chút lợi nhuận, chăm lo cho anh em CN là việc nên làm” - ông Bình giải thích lý do vì sao lại có quyết định chóng vánh như vậy.
Năm 2015, đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) ngành may tương đối khả quan song giá gia công thấp trong khi các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng khá cao. Điều này khiến không ít DN lưỡng lự khi ký kết hợp đồng và Công ty May mặc An Khang cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, ban giám đốc đã cố gắng đàm phán để có đơn hàng với giá gia công tốt. Nỗ lực ấy của ban giám đốc đã được tập thể CN ghi nhận.
Thực tế, yêu cầu khắt khe của đối tác đối với các mã hàng khiến công ty gặp nhiều khó khăn trong điều hành sản xuất, nhất là việc bảo đảm chất lượng sản phẩm. Chia sẻ khó khăn ấy, CĐ cơ sở đã vận động CN nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉn chu trong từng thao tác để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Sự sẻ chia thiết thực giúp DN bảo đảm về thời gian xuất hàng, chất lượng sản phẩm, giữ vững uy tín với đối tác. Đó cũng là lý do ban giám đốc quyết định giảm lợi nhuận để tưởng thưởng xứng đáng cho những đóng góp của CN.
Tương tự, tại Công ty May mặc Triple Việt Nam (100% vốn Đài Loan; huyện Củ Chi, TP HCM), ghi nhận tinh thần đồng cam cộng khổ của tập thể CN, tại buổi đối thoại định kỳ mới đây, ban giám đốc quyết định đầu tư cải thiện môi trường làm việc; duy trì tổ chức nghỉ mát hằng năm; giảm tăng ca để bảo đảm sức khỏe cho CN. Theo ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Công ty May mặc Triple Việt Nam, gắn kết trách nhiệm chính là cách để hài hòa lợi ích giữa DN và tập thể lao động.
Đối đãi chân thành
Bàn về trách nhiệm của DN đối với người lao động, ông Richard Forwood, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Thắng (100% vốn Anh quốc; tỉnh Bình Dương), chia sẻ: “Nại lý do khó khăn để né thực hiện nghĩa vụ hoặc chỉ chăm bẵm lợi nhuận mà thiếu quan tâm chăm sóc người lao động, đây là điều DN nên tránh nếu muốn ổn định quan hệ lao động”.
Nhắc đến Công ty Phúc Thắng, nhiều cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận Thủ Đức, TP HCM, đều đánh giá cao thiện chí chăm lo cho CN của ban giám đốc, đứng đầu là ông Richard Forwood. Dù rất bận rộn nhưng vị tổng giám đốc này luôn giữ được tác phong sinh hoạt gần gũi, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với CN. Ở lại với CN đến tận khuya để động viên tinh thần họ khi đơn hàng gấp; không bao giờ vắng mặt một bữa tiệc thôi nôi, sinh nhật con CN, chính vì cách ông đối xử với CN có tình như vậy nên ít CN nào bỏ công ty ra đi. “Hiểu rõ đời sống CN nên mọi đề xuất của CĐ liên quan đến lương, thưởng, chế độ đãi ngộ CN đều được ông Richard Forwood chấp thuận. Cách cư xử chân tình và có trách nhiệm ấy của ông chủ khiến CN cảm thấy ấm áp” - ông Vũ Thế Vinh, Chủ tịch CĐ nhìn nhận.
Cách đây hơn 1 năm, khi di dời cơ sở sản xuất từ quận Thủ Đức đến tỉnh Bình Dương, để động viên CN an tâm gắn bó lâu dài, ông bàn bạc với CĐ vẫn duy trì chế độ lương, thưởng, đãi ngộ như đã thỏa thuận trong thỏa ước. “Đối đãi chân thành, biết quý trọng CN là phương châm quản lý DN của chúng tôi” - ông Richard Forwood bày tỏ.
Giúp nhau khi khó khăn
Cũng với suy nghĩ xem CN là vốn quý, ông Kao Siêu Lực, Giám đốc DNTN Bánh kẹo Á Châu, đặc biệt quan tâm, chăm sóc CN bằng cả tấm lòng. “Vươn lên từ 2 bàn tay trắng nên tôi càng thấm thía nỗi cơ cực của anh em CN, tự nhủ phải tạo điều kiện tối đa để họ nâng cao tay nghề, ổn định thu nhập” - ông Lực chia sẻ. Xây nhà lưu trú, truyền đam mê nghề nghiệp và tạo điều kiện cho CN nâng cao tay nghề, điều ấy đã nói lên tấm lòng của ông Kao Siêu Lực với CN.
Bình luận (0)