Sau 2 năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19, người lao động (NLĐ) kỳ vọng công việc cũng như sức khỏe của mình và các giải pháp phát triển dài hạn được doanh nghiệp (DN) quan tâm hơn. Các nghiên cứu gần đây nhận định chìa khóa cho sự thành công của DN nằm ở tinh thần vui vẻ, hạnh phúc của NLĐ. Do vậy, ngày càng có nhiều DN chuyển sang chiến lược đặt NLĐ làm trung tâm. Từ đó, DN thay đổi nhiều chính sách nhằm làm cho NLĐ luôn hài lòng, yên tâm làm việc và cống hiến.
Linh hoạt, ưu tiên và tôn trọng
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kết nối nhân tài (Talentnet), cho rằng việc các DN đẩy mạnh hoạt động gia tăng phúc lợi cho NLĐ đáng được trân trọng. Điều đó cho thấy ngày càng có nhiều DN thay đổi, hướng đến việc lấy NLĐ làm trung tâm.
Việc tham khảo những kỳ vọng của NLĐ về các khía cạnh của cuộc sống sẽ giúp chính sách phúc lợi của DN đi đúng hướng. Thực tế cho thấy việc tiếp cận chính sách phúc lợi theo góc nhìn cá nhân hóa một cách linh hoạt hơn đã mang đến nhiều giá trị cho cả DN và NLĐ. Chính sách này xoay quanh 3 từ khóa chính: Linh hoạt, ưu tiên và tôn trọng.
Theo bà Hương, NLĐ có thể có cùng nhu cầu, sở thích, mong muốn nhưng kỳ vọng cách thực hiện lại không giống nhau . Vì vậy, việc cung cấp phúc lợi linh hoạt theo nhu cầu đang trở thành xu hướng mới. DN có thể tập trung ưu tiên phúc lợi theo những nhóm nhân sự khác nhau hoặc tùy thời điểm.
"Điều này sẽ giúp NLĐ thuộc từng nhóm cảm thấy được quan tâm sâu sắc hơn. Lãnh đạo DN cũng cần tạo điều kiện cho nhân viên thật sự tận hưởng sự linh hoạt trong chính sách phúc lợi. Sự tôn trọng từ lãnh đạo DN cũng là một phúc lợi vô hình mà NLĐ mong đợi" - bà Hương nhấn mạnh.
Bà Hương cho rằng việc có nhiều thay đổi trong thị trường lao động - việc làm, đặc biệt là sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh, đã khiến các DN cũng thay đổi rất nhiều quan điểm về nhân sự trong đơn vị mình. Đó là sự thay đổi tích cực và có lợi cho DN khi quan tâm sâu hơn đến NLĐ.
Theo bà Phạm Việt Anh, Giám đốc nhân sự Công ty CP Công nghệ Teko Việt Nam, điều quan trọng nhất để cải thiện sự hài lòng của NLĐ liên quan đến kỹ năng quản lý. Sự thấu hiểu sẽ giúp người quản lý hiểu được những thử thách mà mọi người trong DN đang phải đối mặt và đưa ra các giải pháp hữu hình, tập trung vào con người.
Thấu hiểu là kỹ năng quan trọng trong việc quản lý, điều hành, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Nhiều lợi ích từ thấu hiểu
Nhiều chuyên gia cho rằng thấu hiểu được xem là cách nhìn nhận để chia sẻ cảm xúc cùng người khác. Một lãnh đạo DN biết cách thấu hiểu NLĐ không chỉ phải hiểu được những khó khăn, vấn đề họ đang gặp mà còn phải linh hoạt khi xây dựng mối quan hệ để họ làm việc dễ dàng.
Thiếu sự thấu hiểu giữa các nhà quản lý cấp cao của DN có thể làm mất đi nguồn nhân tài và cản trở năng suất lao động. Bà Phạm Lan Khanh, người sáng lập và điều hành FreelancerViet, nhấn mạnh khi NLĐ thấy thoải mái là lúc họ dễ đạt được năng suất lao động cao nhất. Điều đó có nghĩa thấu hiểu chính là một kỹ năng quan trọng mà bất cứ lãnh đạo DN nào cũng cần quan tâm.
Theo bà Khanh, sự thấu hiểu mang lại nhiều lợi ích to lớn cho DN. Đầu tiên, nó giúp tăng động lực làm việc và năng suất lao động. Khi NLĐ cảm thấy những nỗ lực của mình được ghi nhận, quan điểm được tôn trọng, họ sẽ nghĩ ra những ý tưởng mới và đóng góp tích cực. Sự thấu hiểu sẽ xây dựng lòng tin, đóng vai trò như một công cụ tạo động lực trong DN và thúc đẩy sự hợp tác, làm việc hiệu quả hơn.
Ngoài ra, thấu hiểu cũng giúp tăng cường sự đa dạng. Môi trường làm việc hiện đại thường tập hợp nhiều người với sự đa dạng về trình độ, văn hóa, kinh nghiệm, thậm chí ngôn ngữ. Tuy nhiên, môi trường làm việc quá đa dạng cũng mang đến nhiều thử thách. Khi lãnh đạo DN thể hiện sự thấu hiểu theo mọi hướng, họ cũng có xu hướng thúc đẩy sự đa dạng, từ đó giúp thu hút nhiều nhân tài hơn.
"Trong bối cảnh mới, NLĐ không chỉ mong muốn lương cao hay công việc ổn định mà còn kỳ vọng chính sách toàn diện, được cá nhân hóa theo đúng nhu cầu của mình. Thay vì đi theo lối cũ, DN cần mạnh dạn đổi mới với những phúc lợi đa dạng hơn để chạm đúng nhu cầu của NLĐ. Đây chính là chìa khóa để DN giữ chân và thu hút nhân tài" - bà Khanh nhìn nhận.
Bình luận (0)