Nghe vậy, tôi mừng rơn. Cây vả đó hồi xưa má tôi trồng. Tôi gọi cây vả nhưng ông anh họ của tôi đến chơi đặt luôn cho nó tên gọi là “đại hồng sung”. Anh nói kêu như vậy cho nó… quý phái. Nhớ hồi nghe anh kêu vậy, tôi mắc cười tới mấy ngày. Cây “đại hồng sung” của má tôi mau lớn như thổi, trái sai oằn từ gốc lên trên. Hồi đó có những khi trời giông bão, mưa dầm không đi chợ được, bữa cơm của mấy má con chỉ có trái vả chấm mắm ruốc mà sao tôi thấy ngon quá chừng.
Nói mắm ruốc mới nhớ, đó là loại mắm ruốc Huế mà bà cô tôi từ đất thần kinh gửi vào. Tôi không biết diễn tả nó ngon thế nào nhưng chỉ cần dầm trái ớt vào rồi ăn với cơm nóng là ngon tê tái nơi đầu lưỡi. Trái vả chấm mắm ruốc là món ăn quen thuộc gắn chặt với tuổi thơ tôi những ngày còn má. Ngoài ra, quả vả muối chua cũng rất ngon. Nhiều khi muối nhiều quá, ăn không kịp thì má lại nấu canh cá nục. Bắc nồi nước lên, cho dưa vả vào, nêm nếm cho vừa ăn, cho thêm mấy lát ớt, sau đó thả cá vào. Cá chín thì tắt lửa, cho thêm rau ngò gai hoặc rau om là có nồi canh ngon tuyệt vời.
Nhưng món mà tôi thích nhất là gỏi trái vả với tép mòng. Món này làm dễ mà nhanh. Lần nào anh Hai gửi trái vả vào, tôi cũng làm để đãi mấy đứa bạn cùng phòng. Trái vả gọt vỏ, xắt mỏng, ngâm nước chanh cho trắng. Sau đó vớt ra để ráo, trộn đường, rau thơm và một muỗng mắm ruốc Huế. Tép mòng luộc chín, đổ vào trộn chung. Vậy là xong. Món này có thể xúc bánh tráng và ăn đến quên thôi.
Chiều nay nhớ má, tôi lại làm món gỏi trái vả. Mấy đứa bạn đi chơi hết nên tôi ăn một mình. Vừa ăn tôi vừa nhớ đến mùa mưa bão ở quê nhà. Ở đó có ba má, anh chị Hai và cây “đại hồng sung” vẫn hiên ngang, kiên cường trong mưa bão, như người Quảng Ngãi quê tôi.
Bình luận (0)