Việc hoàn thiện Luật BHXH còn nhằm mục tiêu khác là phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia vào hệ thống BHXH (khoảng 28 triệu lao động) và 35% lực lượng lao động tham gia vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Điều này thể hiện mong muốn bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho từng người dân của Đảng, nhà nước. Tuy nhiên, thái độ phản ứng của NLĐ ở các doanh nghiệp (DN) xung quanh điều 60 Luật BHXH năm 2014 đã chỉ ra rằng Luật BHXH vẫn còn bất cập.
Là công nhân, ai cũng hiểu rõ hưởng trợ cấp một lần thì NLĐ thiệt thòi hơn rất nhiều so với tích lũy thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng có thể chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu bởi họ còn phải mưu sinh để nuôi sống gia đình, trang trải những khó khăn đột xuất. Những nhu cầu trước mắt ấy khiến họ phải lựa chọn việc hưởng trợ cấp một lần để giải quyết khó khăn. Báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ ra thực trạng này: Trong số 80% người hưởng BHXH, có đến 72% người hưởng trợ cấp 1 lần làm việc từ 1-3 năm. Rõ ràng, số đông CN mong muốn được làm việc lâu dài nhưng thực tế không như kỳ vọng. Bên cạnh đó, lương hưu quá thấp nên chưa tạo động lực cho CN.
Không chỉ ở điều 60, Luật BHXH còn có một số khiếm khuyết khác, gây thiệt thòi cho NLĐ ở khu vực ngoài quốc doanh, đặc biệt là lao động nữ. Theo thiển ý của cá nhân tôi, trước khi luật BHXH 2014 (1-1-2016) chính thức có hiệu lực, các bộ, ngành liên quan phải tham khảo thêm ý kiến tổ chức Công đoàn trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, mục tiêu là phải tạo cơ chế linh hoạt trong chính sách BHXH và đáp ứng được nguyện vọng của đại bộ phận NLĐ.
Võ Đức Hiển (huyện Củ Chi, TP HCM)
Bình luận (0)