Nhiều lao động trẻ có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc trong 2 năm nay rơi vào tình trạng thấp thỏm, lo âu bởi cứ chuẩn bị có lịch bay thì dịch bệnh lại cản trở. Nhiều người trong số đó đứng trước 2 sự lựa chọn: tiếp tục chờ hoặc bỏ hết để tìm việc làm dài lâu tại quê nhà. Nếu bỏ hết thì đồng nghĩa với việc phí phạm một khoản thời gian dài đào tạo và một khoản tiền không hề nhỏ, còn tiếp tục chờ thì không biết đến khi nào mới được bay!
Chờ hay bỏ?
Tháng 3-2020, Lê Thị Thúy (25 tuổi, quê Bình Phước) về TP HCM tìm hiểu và đăng ký ra nước ngoài làm việc qua sự giới thiệu của một người bạn đang làm việc tại Nhật Bản. Thúy đăng ký theo đơn hàng đóng gói thực phẩm và theo đúng lộ trình thì cuối năm 2020, Thúy sẽ bay sang Nhật Bản. Mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ thì phía Nhật Bản tuyên bố đóng cửa biên giới vì biến chủng mới của dịch Covid-19. Thúy và các bạn đi cùng nhận được thông báo chờ dù lịch bay đã có. "Khi đó chúng tôi rất thất vọng vì công việc chỉ còn cách chúng tôi một chuyến bay. Rồi cứ thế chờ cho đến nay là tròn một năm rồi vẫn chưa được bay, visa đã hết hạn. Năm nay dịch diễn biến phức tạp nên tôi trở về nhà từ tháng 5, đến tháng 10 thì quay lại TP HCM để hoàn thành thủ tục cấp mới visa với hy vọng cuối năm nay được bay, ai ngờ" - Thúy buồn rầu kể.
Nhiều bạn trẻ vẫn đến Công ty TNHH Nhật Huy Khang để tìm hiểu chương trình đi Nhật Bản làm việc
Thấy tình hình không khả quan, Thúy xin làm nhân viên bán hàng thời vụ cho một cửa hàng điện máy để có thu nhập, kiếm tiền tiêu Tết. Thúy cho biết vẫn quyết tâm chờ cho đến khi được bay sang Nhật Bản bởi hơn 100 triệu đồng phí học, phí dịch vụ đã đóng rồi không thể bỏ được.
Khác với Thúy, anh Nguyễn Hữu Thi Khoa (29 tuổi, quê Khánh Hòa) lại rơi vào tình thế khó xử. Anh Khoa kể do thấy làm công trường nhiều năm mà không dư dả gì nên muốn "đổi vận" bằng cách ra nước ngoài làm việc. Xin gia đình được số tiền đóng học phí học tiếng Nhật, anh Khoa tự tin sẽ sớm sang Nhật làm ngành xây dựng vì theo tìm hiểu thì ngành này tuy nặng nhọc nhưng thu nhập cũng khá, phù hợp với chuyên môn và sức khỏe của anh. "Giữa năm 2020 tôi trúng tuyển đơn xây dựng sau vài tháng học tiếng. Lịch bay đã ấn định là vào tháng 9 năm đó nhưng dịch Covid-19 làm đảo lộn hết. Năm nay tôi cũng mong được bay nhưng đến giờ vẫn chưa thể bay trong khi tuổi của tôi còn 1 năm nữa là hết tuổi quy định của Nhật" - anh Khoa lo lắng.
Khoa đã xin quay lại công trường làm công việc của một thợ xây lành nghề và gần như hy vọng xuất ngoại đã không còn.
Chờ được đi làm việc
Chia sẻ với người lao động (NLĐ), ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (Tân Bình, TP HCM), cho biết hiện công ty có khoảng 1.500 thực tập sinh (TTS) đã hoàn thành chương trình đào tạo và đã trúng tuyển tại các công ty Nhật Bản nhưng vẫn chưa thể xuất cảnh do dịch bệnh. "NLĐ lo lắng, trăn trở bao nhiều thì doanh nghiệp (DN) như chúng tôi cũng cùng tâm trạng bấy nhiêu. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra thì chúng ta có quyền nghĩ đến viễn cảnh dịch sẽ được khống chế, các đường bay quốc tế sẽ mở lại và việc xuất cảnh của TTS sớm trở lại bình thường. Thời gian qua, chúng tôi đã cố gắng kết nối việc làm tạm thời cho TTS trong thời gian chờ bay để các em trang trải cuộc sống. Công ty luôn động viên các em hãy luôn theo đuổi mục tiêu của bản thân, trong lúc chờ bay hãy học tiếng cho thật tốt và luôn trong tư thế sẵn sàng" - ông Sơn nói.
Đó cũng là tình cảnh của nhiều DN dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Tất cả đều phụ thuộc vào chính sách nhập cảnh của các nước tiếp nhận lao động. Đại diện Công ty TNHH Nhân lực MIRAI (quận 1, TP HCM) cho biết công ty cũng có rất nhiều NLĐ đang rơi vào hoàn cảnh như Công ty TNHH Esuhai. "Mọi thứ đã sẵn sàng nhưng lịch bay cứ bị hoãn, bị hủy liên tục khiến DN rất khó khăn. Trong 2 năm dịch bệnh, DN nào hoạt động trong lĩnh vực này cũng bị thiệt hại rất lớn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đồng hành với NLĐ. Ngoài động viên, chia sẻ những gì có thể, chúng tôi đeo bám các đối tác bên Nhật để làm sao duy trì đơn hàng, tìm kiếm cơ hội bay sớm nhất cho NLĐ một khi chính phủ Nhật Bản cho phép nhập cảnh" - đại diện Công ty TNHH Nhân lực MIRAI nói.
Lãnh đạo Công ty TNHH Esuhai và Công ty TNHH Nhân lực MIRAI cho biết các TTS của họ đều rất quyết tâm sang Nhật Bản làm việc và học tập bởi đó là con đường họ đã chọn. Nhiều người đã tận dụng khoản thời gian chờ đợi này trau dồi thêm tiếng Nhật để có thể giao tiếp hiệu quả hơn, làm việc tốt hơn khi đặt chân đến đất nước mặt trời mọc.
Bình luận (0)