Pháp luật lao động hiện chưa quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) của người lao động (NLĐ). Do đó, để đánh giá chất lượng công việc của NLĐ buộc lòng doanh nghiệp (DN) phải xây dựng quy chế. Thế nhưng hiện vẫn còn nhiều DN chưa chú trọng đến việc này, dẫn đến tranh chấp không đáng có với NLĐ.
Thiệt hại tiền tỉ
Chưa xây dựng quy chế nên khi chấm dứt HĐLĐ với ông D.O, Công ty TNHH P.T Việt Nam đã căn cứ vào hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008. Việc làm này của công ty bị NLĐ phản ứng, kéo theo vụ tranh chấp kéo dài gần 5 năm. Mới đây, công ty bị TAND Cấp cao tại TP Hà Nội buộc bồi thường cho NLĐ hơn 3,2 tỉ đồng.
Người lao động đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi
Tháng 8-2015, ông O. được Chủ tịch HĐQT công ty tuyển dụng vào chức danh tổng giám đốc điều hành, lương 6.000 USD/tháng. Ngày 1-3-2016, căn cứ vào biên bản cuộc họp đánh giá hiệu quả và năng lực làm việc của ông O., công ty thông báo chấm dứt quan hệ lao động với ông kể từ ngày 4-4-2016. Theo công ty, lý do chấm dứt HĐLĐ là vì ông O. thường xuyên không hoàn thành công việc. Cụ thể, trong thời gian điều hành, ông O. chậm ký các hợp đồng thi công, lắp đặt, mua sắm; không hoàn thành kế hoạch xây dựng, sản xuất... Bên cạnh đó, đại diện các phòng, ban cũng cho hay ông O. bố trí công việc không hợp lý, chồng chéo, kém hiệu quả; triển khai công việc chậm trễ, thiếu quyết đoán… "Ở công ty, quy chế DN được cụ thể hóa bằng hệ thống ISO 9001:2008. Hệ thống này gồm: nội quy lao động (NQLĐ), sổ tay công nhân viên, quy định về đánh giá thành tích, bản mô tả công việc... Trong đó có quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các vị trí, kể cả tổng giám đốc. Đây là căn cứ để chúng tôi đánh giá NLĐ và ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông O."- phía công ty lý giải.
Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử, đến nay công ty vẫn chưa ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của NLĐ. Công ty dựa trên hệ thống ISO 9001:2008 để đánh giá ông O. nhưng nội dung các tài liệu chỉ mô tả chung nhất về công việc, trách nhiệm của NLĐ chứ không có quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc, trình tự, thủ tục xử lý và chế tài đối với trường hợp này. Công ty cũng chưa lập biên bản hoặc có văn bản nhắc nhở về việc không hoàn thành công việc của ông O.… Với những phân tích trên, tòa xác định công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và phải bồi thường.
Nuốt trái đắng
Mới đây, Công ty CP T.C đã phải bồi thường cho ông N.V.D hơn 206 triệu đồng, do đột ngột chấm dứt hợp đồng thử việc.
Trước đó, công ty này ký hợp đồng thử việc 2 tháng với ông, từ 20-3 đến 19-5-2019. Ngày 12-6-2019, công ty ra thông báo chấm dứt thử việc với ông D. kể từ ngày 11-7-2019 với lý do không nắm bắt công việc tại dự án và không hòa nhập được với văn hóa công ty (quy định tại điểm a khoản 1 điều 38 Bộ Luật Lao động năm 2012). Tại phiên xét xử mới đây, TAND quận Bình Thạnh nhận định sau khi hết thời gian thử việc theo quy định, ông D. không nhận được thông báo kết quả thử việc và vẫn tiếp tục làm việc tại công ty nên quan hệ lao động được xác lập. Do vậy, việc công ty thông báo chấm dứt thử việc là không đúng. Bên cạnh đó, căn cứ để xác định NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc là không thực hiện đủ định mức lao động được giao; bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất 2 lần trong một tháng mà sau đó không khắc phục. Mức độ không hoàn thành công việc phải được ghi trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể hoặc NQLĐ của đơn vị… "Công văn của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Thạnh xác nhận từ khi thành lập đến nay, công ty chưa đăng ký NQLĐ. Trong quá trình làm việc, ông D. chưa từng bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản. Vì thế, không có căn cứ để đánh giá mức độ không hoàn thành công việc của ông D." - tòa nhìn nhận. Từ cơ sở đó, công ty bị phán thua kiện vì hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với ông D.
Bình luận (0)