xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chú Hai Cần - người hết mình với công nhân

NGÂN HÀ

Ông luôn nghĩ việc gì có lợi cho công nhân lao động thì phải cố gắng làm

Sáng 20-2, tin ông Đinh Khắc Cần, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, từ trần khiến bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Công vận, Công đoàn (CĐ), tiếc thương. Nhớ về ông, nhiều người nhớ về người chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, một cán bộ CĐ tận tụy, cống hiến sức lực, trí tuệ cho phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ TP.

Hôn lễ dưới hầm địa đạo

Những lần gặp ông ở các cuộc họp mặt cán bộ Công vận, CĐ hưu trí, ấn tượng để lại trong tôi là tác phong gần gũi, giọng nói nhỏ nhẹ rặt chất Nam Bộ. Được mời lên phát biểu góp ý định hướng cho phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ, ông nói một cách say mê, có trách nhiệm, xem đó là cách đóng góp thiết thực nhất với tổ chức và thế hệ cán bộ CĐ đàn em.

Câu chuyện về ông là thước phim sống động về sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Khi còn học trung học ở Mỹ Tho - Tiền Giang, ông Cần đã tham gia hoạt động quân báo. Cuối năm 1953, ông được tổ chức điều lên hoạt động ở nội thành Sài Gòn để nắm tin tức về hoạt động quân sự ở khu vực Cảng Sài Gòn. Lúc này, phía ta đang tổ chức chiến dịch Điện Biên Phủ nên hoạt động quân báo ở các vùng miền để nắm tình hình của địch rất được chú trọng. Việc đầu tiên khi lên Sài Gòn là ông phải tìm được nơi ăn chốn ở tin cậy để tránh sự dò xét của địch. Quê ở Bến Tre nên ông nghĩ phải tìm đến nơi nào có người cùng quê để còn nhờ cậy. Lân la hỏi thăm, ông tìm đến một xóm đồng hương Bến Tre ở quận 1 (nay là đường Nguyễn Cảnh Chân) để trọ.

Ngày ngày rời phòng trọ ra cảng thu thập tin tức, ngang qua con hẻm nhỏ trong xóm, ông Cần để ý một nữ sinh (sau này mới biết tên là Trần Thị Thanh) thường ngồi học bài cạnh cửa sổ trong ngôi nhà nhỏ. Tình yêu giữa hai người bắt đầu chớm nở cũng là lúc ông rời xóm trọ, bởi nhiệm vụ quân báo chấm dứt khi Hiệp định Genève được ký kết. Trước lúc rời xóm trọ ra đi, ông cũng kịp tỏ tình với bà Thanh dù chưa một lần nắm tay nhau. Trở lại quê nhà Bến Tre chờ đi tập kết, nhờ biết tiếng Pháp, ông đảm nhiệm việc dịch nội dung hiệp định bằng tiếng Pháp trên báo, phổ biến cho các cơ sở cách mạng. Hai năm đầu sau khi Hiệp định Genève ký kết, việc thư từ qua lại giữa hai miền còn khá dễ dàng. Có lần bà Thanh viết tặng ông câu thơ: "Em không sợ chia ly là vĩnh biệt/Mà chỉ sợ chia ly rồi hủy diệt mộng tao phùng". Họ hẹn ước năm 1956 thống nhất đất nước, trở về sẽ làm hôn lễ. Hiệp định Genève bị phá vỡ, địch leo thang chiến tranh ở miền Nam. Năm 1964, ông Cần cùng đồng đội đi B vào nhận công tác mới ở địa bàn Củ Chi (Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định). Đầu năm 1966, thông qua các đường dây liên lạc, bà Thanh và người thân hai bên gia đình được đón lên Củ Chi. Đám cưới của anh lính quân báo và cô nữ sinh ngày nào được tổ chức dưới hầm của địa đạo. Hôn lễ trong thời chiến diễn ra chóng vánh. Bà Thanh trở về hoạt động cơ sở ở nội thành Sài Gòn.

Thời gian làm Báo Công nhân Giải phóng, ông Cần cũng thường xuyên đi lại giữa chiến khu và nội thành. Cơ sở hoạt động bị lộ, cả hai vợ chồng ông đều bị bắt giam. Riêng ông Cần sau đó bị đày ra Côn Đảo. Mối tình son sắt của hai người là đồng hương và đều ở miền Nam nhưng vì sự chia cắt hai miền Nam - Bắc, mãi suốt 20 năm sau, họ mới thật sự được đoàn tụ trong ngày đất nước thống nhất vào trưa 30-4-1975.

Chú Hai Cần - người hết mình với công nhân - Ảnh 1.

Ông Đinh Khắc Cần cùng vợ và các cháu trong một buổi gặp mặt gia đình Ảnh: ĐINH THỊ THANH THỦY

Công lao to lớn

Trong ký ức của chị Đinh Thị Thanh Thủy, con gái ông Cần, ông là một người cha mẫu mực, hiền lành, chưa bao giờ la mắng hay đánh con roi nào. "Giận lắm thì ba chỉ im lặng và điều đó càng khiến anh chị em tôi quý trọng ba hơn" - chị Thủy kể.

Sau khi nước nhà thống nhất năm 1975, ông Cần làm việc tại Liên hiệp CĐ TP, nay là LĐLĐ TP. Thập niên 1990, LĐLĐ TP chủ trương gắn kết các hoạt động CĐ với hoạt động xã hội nhằm tham gia thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và giảm tỉ lệ thất nghiệp trong công nhân lao động nghèo. Qua khảo sát mô hình tạo việc làm và cải thiện an sinh cho người nghèo một số quốc gia, LĐLĐ TP đánh giá mô hình vay vốn của Ngân hàng Grameen (Bangladesh) phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam lúc đó. LĐLĐ TP đã quyết định thành lập Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (nay là Tổ chức Tài chính vi mô CEP) và người được tín nhiệm phân công làm giám đốc là ông Cần (lúc đó là Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP). Dù không rành về tài chính và không có kiến thức về kinh tế nhưng ông vẫn mạnh dạn nhận lãnh trách nhiệm và đảm đương khá tốt.

Nhắc đến ông, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Tổng Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP, kể: "Tôi có nhiều kỷ niệm đặc biệt cùng chú Hai Cần, bởi hay xưng cha và gọi tôi là con gái. Trong công việc, chú rất bao dung và đặt hết niềm tin vào cấp dưới. Khi dự án mới triển khai ở quận 1 và Gò Vấp, chú thường xuyên đi cơ sở, thăm hỏi động viên anh em cán bộ tín dụng đừng nản lòng trước khó khăn. Khi có khó khăn gì, chú hay nói: Tụi con làm sao cho đúng thì làm, miễn có lợi cho người lao động. CEP phát triển như ngày hôm nay, công lao của chú Hai Cần rất lớn".

"Không chỉ là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người chồng, người cha mẫu mực, chú Hai Cần còn là một cán bộ CĐ bản lĩnh, tận tụy trong công việc, luôn sâu sát, hết lòng với phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ TP. Sự ra đi của chú là một mất mát lớn cho tổ chức CĐ TP nói riêng và CĐ Việt Nam nói chung” - ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo