Đỉnh điểm là vào tháng 5 và 6-2020, công ty không còn đơn hàng sản xuất, phải cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc không hưởng lương. Lúc đó, để NLĐ bớt khó khăn, công ty đã đề nghị xét duyệt cho khoảng 600 công nhân (CN) được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, trong văn bản phúc đáp ngày 11-8, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quận Bình Tân, TP HCM cho biết NLĐ tại công ty không thuộc đối tượng hỗ trợ trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, ngừng việc không hưởng lương. Lý do là tình hình tài chính công ty không thỏa điều kiện "tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm ngày 31-3-2020 phải nhỏ hơn tiền lương phải trả cho NLĐ". Cụ thể, vào thời điểm ngày 31-3-2020, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty là hơn 4,4 tỉ đồng, trong khi tiền lương phải trả cho NLĐ là hơn 4,3 tỉ đồng. Sau khi nhận được văn bản trả lời, bà Lê Hà Mỹ Hồng, Chủ tịch Công đoàn công ty, đã liên hệ Phòng LĐ-TB-XH quận đề nghị cho NLĐ được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND của HĐND TP HCM (mức 1 triệu đồng/người/tháng) song tiếp tục bị từ chối với lý do doanh nghiệp (DN) không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP thì cũng sẽ không được xét hỗ trợ theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND.
Công nhân Công ty TNHH Kyung Rhim Vina hiện rất khó khăn, rất cần được hưởng chính sách hỗ trợ từ nhà nước
Tại buổi tiếp xúc cử tri do HĐND quận Bình Tân tổ chức vừa qua, đại diện phòng LĐ-TB-XH quận giải thích việc "từ chối" cho Công ty TNHH Kyung Rhim Vina hưởng 2 chế độ nói trên là làm theo hướng dẫn của Sở LĐ-TB-XH TP. Tuy nhiên, câu trả lời của đại diện phòng LĐ-TB-XH quận không nhận được sự đồng tình của DN và NLĐ bởi điều kiện hưởng hỗ trợ của 2 chính sách là khác nhau. Thực tế, đã có DN bị từ chối giải quyết hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP nhưng vẫn được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty TNHH Wooyang Vina II (quận 12, TP HCM). Bà Nguyễn Thị Lĩnh, trưởng phòng nhân sự công ty, cho biết vào tháng 5-2020, khi CN phải ngừng việc không hưởng lương 1 tháng, công ty đã làm thủ tục đề nghị cho 837 CN hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 42/NQ-CP. Song, cũng vì tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm ngày 31-3-2020 lớn hơn tiền lương phải trả cho NLĐ nên bị từ chối. Sau đó, công ty đã làm thủ tục hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND và cuối tháng 8-2020 toàn bộ CN đã được chi hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Theo bà Lĩnh, so với Nghị quyết 42/NQ-CP, điều kiện và hồ sơ đề nghị hỗ trợ NLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND đơn giản hơn vì không cần thực hiện bản báo cáo tài chính DN rút gọn. "Đơn hàng của công ty chưa hồi phục nên trong tháng 11-2020, NLĐ tiếp tục nghỉ không hưởng lương 16 ngày, đời sống rất khó khăn, rất cần được hỗ trợ. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, NLĐ tìm hiểu rất kỹ các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi, do vậy, khi chúng tôi giải thích lý do bị từ chối hỗ trợ nhưng NLĐ không chấp nhận. Công ty mong muốn có câu trả thời cụ thể, chính xác hơn từ cơ quan chức năng để có cơ sở trả lời NLĐ" - bà Hồng bày tỏ.
Bình luận (0)