Cho rằng bị cho thôi việc không thỏa đáng, mới đây, bà N.T.D, từng là trợ lý quản lý - giám sát dịch vụ khách hàng Công ty CP R.V (quận 2, TP HCM), đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đơn của bà bị các cơ quan này từ chối thụ lý. Nguyên nhân là do vụ việc phát sinh từ tháng 12-2018, đến nay đã hết thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động.
Mất trắng
Bà D. cho biết bà đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với công ty từ năm 2013 và chưa hề vi phạm kỷ luật. Năm 2018, do bất đồng trong công việc, lãnh đạo công ty đã liên tục gây sức ép để bà thôi việc. Tháng 10-2018, không chịu được sức ép của công ty, bà nộp đơn nghỉ việc. Ngày 30-12-2018, bà nhận quyết định thôi việc của công ty. Do công ty không thanh toán lương, phụ cấp (tháng 11, 12-2018) và tiền thưởng nên bà D. đã nhiều lần gửi email đến công ty yêu cầu giải quyết.
Thế nhưng, công ty đã phớt lờ. "Lần cuối tôi gửi email cho lãnh đạo công ty là ngày 26-3-2019, sau đó do bận chăm sóc cho mẹ bị bệnh nên tôi không có thời gian liên hệ với công ty. Nay tôi tiếp tục đòi quyền lợi của mình thì bị từ chối vì hết thời hiệu khiếu nại" - bà D. cho biết.
Người lao động đến tòa soạn Báo Người Lao Động nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi
Tương tự là trường hợp của ông Nguyễn Văn Nhân - công nhân một công ty CP tại quận 1, TP HCM. Ông Nhân làm việc tại công ty từ năm 2001. Lấy lý do sức khỏe giảm sút, ngày 25-4-2018, ông nộp đơn xin chấm dứt HĐLĐ. Đến ngày 25-5-2018, công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông Nhân kể từ ngày 1-6-2018. Tuy nhiên, trong quyết định này, công ty không đả động gì đến việc chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông.
Bức xúc, vào các ngày 22-6-2018, 26-8-2018 và 13-4-2019, ông Nhân đã gửi đơn đến công ty đề nghị trả trợ cấp thôi việc nhưng không được giải quyết. Dù rất ấm ức với cách hành xử thiếu trách nhiệm của công ty nhưng do đang làm việc ở công ty mới, không có thời gian theo đuổi vụ việc nên đến ngày 2-6-2020 ông Nhân mới khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi. Tuy nhiên, cũng như bà D., vụ án của ông cũng bị tòa án đình chỉ do hết thời hiệu khởi kiện.
Thua thiệt
Quyết tâm đòi quyền lợi, ông V.V.C - công nhân một công ty ở quận Thủ Đức, TP HCM - đã kiên trì theo đuổi vụ kiện tranh chấp lao động về xử lý kỷ luật sa thải ở cả 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Dù vậy, ông C. vẫn trắng tay chỉ vì hết thời hiệu khiếu nại.
Ông C. cho biết ông đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn với công ty từ năm 2012. Ngày 4-5-2018, công ty đột ngột ra quyết định sa thải ông với lý do tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng. Trước khi nhận quyết định, ông C. chưa hề bị lập biên bản vi phạm kỷ luật, cũng chưa được mời tham gia bất kỳ phiên họp xử lý kỷ luật lao động nào. Cho rằng công ty sa thải không tuân thủ trình tự luật định, ngày 2-5-2019 ông C. đã làm đơn gửi công ty và cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi quyết định sa thải và nhận ông trở lại làm việc.
Nhưng hơn 5 tháng sau, công ty mới tổ chức phiên họp để giải thích việc sa thải đối với ông C. Trong phiên họp này, ông C. không chấp nhận các căn cứ sa thải mà công ty đưa ra, sau đó khởi kiện ra tòa đòi bồi thường hơn 85 triệu đồng. Tại tòa, ông C. cho rằng tuy thời điểm khởi kiện đã vượt quá 1 năm nhưng phiên họp ngày 22-10-2019 chính là sự kiện pháp lý để công ty một lần nữa thừa nhận quyền và nghĩa vụ của mình, làm căn cứ để bắt đầu thời hiệu khởi kiện theo quy định tại điều 157 Bộ Luật Dân sự.
Đại diện công ty không đồng tình với lập luận của ông C. Phía công ty cho rằng mục đích của buổi làm việc ngày 22-10-2019 chỉ để giải thích cho ông C. rõ quyết định sa thải của công ty và làm cơ sở để trả lời cơ quan chức năng, do đó đây không phải là buổi hòa giải. "Điều 157 Bộ Luật Dân sự quy định thời hiệu được bắt đầu lại trong các trường hợp bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; các bên đã tự hòa giải với nhau. Thế nhưng, không hề có văn bản nào thể hiện công ty thừa nhận việc sa thải trái pháp luật và nghĩa vụ đối với hành vi ấy, nên cuộc họp ngày 22-10-2019 không thể xem là sự kiện pháp lý để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện" - đại diện công ty phân tích.
Từ nhận định đó, trước khi tòa sơ thẩm ra bản án, công ty đã có văn bản yêu cầu hội đồng xét xử áp dụng thời hiệu theo quy định tại điều 202 Bộ Luật Lao động (BLLĐ), đó là tuyên đình chỉ giải quyết vụ án vì thời hiệu khởi kiện đã hết. Yêu cầu của công ty được tòa sơ thẩm chấp nhận và ông C. kháng cáo.
Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, căn cứ quyết định đình chỉ vụ án của bản án sơ thẩm, hội đồng xét xử chỉ rõ: "Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là đương sự trong vụ án không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm". Do vậy, nội dung kháng cáo của ông C. không được tòa chấp nhận.
Hiểu luật để tự bảo vệ quyền lợi
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cho biết theo quy định của BLLĐ, đối với tranh chấp lao động cá nhân, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải là 6 tháng và thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp là 1 năm kể từ ngày phát hiện hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Thời hiệu này bao gồm cả thời gian giải quyết tranh chấp tại cơ sở hay khởi kiện tại tòa án. Cho nên, để tránh "hết thời hiệu", người lao động có thể tiến hành song song 2 việc khiếu nại tại cơ sở và khởi kiện tại tòa án. Bên cạnh đó, hiện nay BLLĐ không có quy định cụ thể về "ngày phát hiện hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm" nên tòa án không thể căn cứ vào ý chí chủ quan của các chủ thể khởi kiện để xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện. Do vậy, trên thực tế tòa thường tính từ ngày xảy ra sự kiện pháp lý mà bên có quyền và lợi ích bị vi phạm biết được sự kiện đó. Người lao động cần lưu ý vấn đề này để yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết tranh chấp đúng thời hạn, tránh thiệt thòi quyền lợi.
Bình luận (0)