xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chương trình “Xuân nhân ái - Tết yêu thương” (*): Tiếp sức để vượt lên chính mình

SONG ANH - PHÚC NGUYÊN

Sự đùm bọc của gia đình và người thân giúp công nhân bị tai nạn lao động có thêm động lực sống cũng như hy vọng vào tương lai

Những ngày cận Tết, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Chí Tâm (38 tuổi) ở ấp Bàu Sen, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Bước vào nhà, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh 2 phụ nữ đang cần mẫn chăm sóc một người đàn ông ngồi trên xe lăn.

Mong có tiền ghép sọ

Bà Phan Thị Bảy (mẹ anh Tâm) cho biết anh từng là lao động chính của gia đình. Gia cảnh khốn khó nên anh Tâm hằng ngày phải đi làm thợ hồ kiếm sống. Buổi chiều định mệnh đầu tháng 6-2018 có lẽ mãi là ngày không thể quên đối với gia đình anh. "Lúc đó tôi đang ở nhà, còn vợ Tâm đi làm thuê thì bất ngờ nhận thông tin con trai mình bị tai nạn lao động (TNLĐ), cấp cứu tại bệnh viện (BV). Tôi như chết trân, không còn biết gì nữa" - bà Bảy nhớ lại.

Sau khi cấp cứu tại BV Đa khoa Bạc Liêu, do tình hình không khả quan nên anh Tâm được chuyển lên một BV ở Cần Thơ. Tại đây, cả gia đình như ngã quỵ khi bác sĩ thông báo anh khó qua khỏi vì chấn thương sọ não nặng. Với suy nghĩ "còn nước còn tát", gia đình tất tả đi vay mượn người thân, bạn bè để có tiền chạy chữa cho anh Tâm. Thế nhưng, nỗ lực ấy của gia đình không thể giúp anh hồi phục. Với mong muốn vớt vát chút hy vọng, gia đình đành gửi đi một mảnh xương sọ của anh đến bảo quản ở một BV tại TP HCM.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Trịnh Thanh Kiều (vợ anh Tâm) cho biết vì chưa được ghép sọ nên sức khỏe chồng chị ngày càng suy yếu, luôn rơi vào tình trạng lúc tỉnh lúc mê. Hiện người đàn ông này như đứa trẻ lên ba. Từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân, anh đều trông cậy vào mẹ và vợ.

Gần đây, chị Kiều phải nhờ mẹ chồng trông coi anh Tâm để đi làm thuê ở lò gạch cách nhà hơn 15 km, mỗi ngày kiếm được 140.000 đồng. "Bác sĩ cho biết anh Tâm phải phẫu thuật ghép hộp sọ mới có thể phục hồi, đi đứng được. Chi phí phẫu thuật dự tính khoảng 40 triệu đồng và đây là số tiền quá lớn đối với gia đình tôi..." - chị Kiều rưng rưng nước mắt.

Chương trình “Xuân nhân ái - Tết yêu thương” (*): Tiếp sức để vượt lên chính mình - Ảnh 1.

Sau khi bị tai nạn lao động, mọi sinh hoạt cá nhân của anh Tâm đều phải trông cậy vào mẹ và vợ. Ảnh: PHÚC NGUYÊN

Chưa từng thôi hy vọng

Năm 2000, trong một lần đi bơm cát, chiếc ghe chở ông Trần Thành Nam (49 tuổi; ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) va vào trụ cầu khiến cầu sập. Bị sắt cầu rớt trúng người, ông Nam bất tỉnh và được chuyển đến BV cấp cứu. Tỉnh lại, ông như chết lặng khi biết mình bị gãy xương sống và khó có thể hồi phục sớm.

Thời điểm bị TNLĐ, ông Nam là trụ cột trong gia đình. Hai con còn tuổi ăn tuổi học không biết phải làm sao khi ông mất khả năng lao động.

"Mấy tháng trời tôi nằm viện, vợ tôi phải túc trực chăm sóc, mấy đứa nhỏ thì gửi bên ngoại. Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn nay lại thêm chật vật" - ông Nam nhớ lại. Sau hơn 3 tháng điều trị, ông Nam được xác định tỉ lệ thương tật vĩnh viễn 85% và từ đó, cuộc đời ông gắn liền với chiếc xe lăn.

Trở về nhà, ông Nam chỉ có thể ngồi một chỗ, việc đi lại, sinh hoạt cá nhân đều phải có người giúp, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai của vợ ông là bà Nguyễn Thị Vân. Hằng ngày, bà Vân phải đi làm thuê làm mướn để kiếm tiền lo cho gia đình và 2 người con ăn học. Có lúc, bà tưởng chừng như gục ngã nhưng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến chồng con, bà lại cố gắng vượt qua. Hai con gái của bà phải bỏ học giữa chừng để giúp mẹ chăm sóc cha. "Trước giờ, chuyện gì trong nhà đều do ông ấy làm, còn tôi chỉ lo chuyện nội trợ. Tai nạn ập tới, tôi phải đem con gửi đầu này đầu kia để đi làm rồi lo cho chồng. Riết rồi không chịu nổi, mấy đứa nhỏ phải ở nhà chăm sóc ông ấy để tôi an tâm đi làm" - bà Vân ngậm ngùi.

Gần 20 năm qua, đôi chân ngày càng teo tóp nhưng ông Nam chưa từng thôi hy vọng được đến BV lớn kiểm tra xem nếu phẫu thuật, ông có thể đi lại được không. "Nhiều lúc nhức lắm nhưng chỉ dám đi ra trạm y tế để lấy thuốc uống cho đỡ đau. Phải chi có tiền, tôi muốn một lần được đến BV Chợ Rẫy kiểm tra xem có phục hồi được không. Nếu tôi đi lại được thì đỡ cho vợ con biết mấy..." - ông Nam tâm sự.

Trao 5 suất quà cho công nhân bị tai nạn lao động

Chiều 18-1, tại KCN Suối Dầu, tỉnh Khánh Hòa, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức chương trình "Tết sum vầy" mừng Xuân Kỷ Hợi cho hơn 370 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa đã trao 200 suất quà Tết; Công đoàn Các Khu kinh tế - KCN trao 100 suất quà, trị giá 500.000 đồng/suất, cho người lao động nghèo, công nhân phải làm việc trong dịp Tết...

Dịp này, Báo Người Lao Động cũng đã trao 5 suất quà đầu tiên của chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" cho các gia đình công nhân bị TNLĐ, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng.

K.Nam

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-1

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo