Ngồi nghe chăm chú và ghi chép cẩn thận là hình ảnh chúng tôi bắt gặp tại lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho công nhân (CN) tại Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, TP HCM). Chương trình do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM phối hợp cùng LĐLĐ TP tổ chức và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng đảm trách việc giảng dạy.
Bổ sung kiến thức mới
Gia đình khó khăn nên vừa tốt nghiệp THPT, anh Trần Minh Phương, quê Bến Tre, đã lên TP HCM tìm việc làm. Hơn 6 năm làm việc tại Công ty TNHH Juki Việt Nam, Phương cũng nhiều lần có ý định đi học thêm nhưng rồi đành buông xuôi theo cơm áo gạo tiền và những giờ tăng ca. "Hôm được anh tổ trưởng thông báo được chọn đi học thêm các kiến thức mới về chính máy phay đang làm, tôi mừng quá. Việc học ngay tại công ty rất thuận tiện cho CN vì không phải đi xa, không phải ngược xuôi giữa dòng xe cộ sau giờ tăng ca. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt khóa học" - anh Phương bộc bạch. Những kiến thức học được chắc chắn sẽ giúp anh tự tin và thích nghi tốt hơn với công việc đang làm.
Công nhân Công ty TNHH Juki Việt Nam tham gia khóa đào tạo nâng cao tay nghề
Cũng như anh Phương, chàng trai 27 tuổi Lưu Bảo Nguyên, quê TP HCM, đã thể hiện sự vui sướng khi được chọn là một trong 60 CN tham gia khóa đào tạo này. Nguyên đã từng tốt nghiệp cao đẳng công nghệ thông tin của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP HCM) và đi làm hơn 5 năm. "Những kiến thức đã học so với hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Vì thế, những khóa đào tạo như thế này vô cùng cần thiết, giúp CN củng cố kiến thức, tay nghề để trở thành CN giỏi, có tay nghề cao trong doanh nghiệp (DN). Không chỉ tôi, tất cả anh em CN được chọn đào tạo trong chương trình này đều rất háo hức và quyết tâm theo đuổi đến cùng" - Nguyên cho biết.
Đi học vẫn được trả lương
Chương trình đầu tiên do Sở LĐ-TB-XH TP HCM phối hợp cùng LĐLĐ TP thực hiện diễn ra tại Công ty TNHH Juki Việt Nam với 3 lớp đào tạo nghề phay, tiện và cơ khí trên máy CNC với 60 CN theo học. Ông Nakao Kenji, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam, cho biết 60 CN tham gia chương trình đào tạo là những CN trẻ, giỏi, có thành tích lao động xuất sắc trong DN. "Công ty cam kết sẽ tạo những điều kiện tốt nhất cho CN theo học và hoàn thành chương trình. Không chỉ bố trí nơi học tập, điện, nước, nước uống…, DN còn trả lương cho những giờ lên lớp của CN. Tôi hy vọng chương trình không chỉ đào tạo những CN giỏi cho DN mà còn góp phần tạo ra một lực lượng lao động năng động, giỏi kỹ năng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP" - ông Nakao Kenji bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, lớp tập huấn nằm trong kế hoạch bồi dưỡng và cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề cho CN nhằm thích ứng với sự phát triển của công nghệ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực của TP. Từ nay đến cuối năm 2017 và 2018, sở sẽ tổ chức 20 lớp đào tạo miễn phí cho CN các ngành nghề trọng điểm là cơ khí, công nghệ thông tin, hóa dược, điện tử, chế biến thực phẩm…
Ông Lâm cho biết thêm: "TP HCM đang có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, thích nghi với công nghệ mới. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều phía, như DN, CN và nhà trường. TP sẽ chi trả toàn bộ chi phí đào tạo này. Khi CN được đào tạo, tay nghề của họ được nâng cao, năng suất lao động sẽ tăng và thu nhập cũng tăng theo. Song song đó, DN cũng được lợi vì sản phẩm làm ra chất lượng hơn, chi phí thấp hơn".
Sau khóa học, Sở LĐ-TB-XH TP sẽ thống kê năng suất lao động của CN thay đổi như thế nào, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các ngành nghề khác theo đúng nhu cầu của thị trường" - ông Nguyễn Văn Lâm thông tin.
Bình luận (0)