Mới đây, trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội. Xung quanh đề xuất này, Báo Người lao động tiếp tục nhận được nhiều ý của độc giả góp ý về vấn đề này.
Bạn đọc Nguyễn Tấn Tài bày tỏ: "Tiền đóng bảo hiểm xã hội là tiền của người lao động và người sử dụng lao động đóng hàng tháng cho người lao động. Nếu tính một năm lãnh 2 tháng lương cơ bản là đã bị thiệt thòi rồi. Vì 1 năm tiền đóng bảo hiểm xã hội hơn 2 tháng lương cơ bản mà. Rút 1 lần hay đợi hưu tùy điều kiện hoàn cảnh sức khỏe của người lao động họ sẽ cân nhắc chọn phương án phù hợp với họ". Đồng quan điểm, bạn đọc Đặng Việt Anh cũng không đồng ý với đề xuất này. "Đây là tiền lương của người lao động và chi phí của doanh nghiệp. Là số tích lũy dự tính cho tương lai của người lao động, không phải khoản tiền nhận trợ cấp hoàn toàn từ nhà nước. Người lao động đã tuân thủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, vậy người lao động cần có quyền được hưởng đúng và đầy đủ số tiền bảo hiểm xã hội mà mình đã đóng" – bạn đọc Đặng Việt Anh viết.
Bức xúc không kém, bạn đọc Khánh Đăng đơn cử ví dụ: "Giả sử người lao động đóng Đặng Việt Anh ở mức lương hàng tháng là 5.000.000 đồng. Thì mỗi tháng cả người lao động và doanh nghiệp sẽ đóng vào quỹ hưu trí tử tuất ( 22%) là 1.100.000 đ, 1 năm sẽ là 13.200.000 đ. Khi người lao động rút một lần thì chỉ được chi trả 2 tháng lương là 10.000.000 đồng. Thiết nghĩ bảo hiểm xã hội là xây dựng đặt lợi ích người lao động lên trên hết. Tiền đóng vào quỹ hưu trí tử tuất là mồ hôi, nước mắt của người lao động. Luật phải hài hòa chứ không vì lợi ích bên này chèn ép bên kia. Thế này thì còn ai thiết tha với bảo hiểm xã hội, tham gia bảo hiểm nhân thọ cho rồi".
Cùng góc nhìn, một bạn đọc giấu tên gay gắt: "Là một người lao động đã tham gia được gần 13 năm, mình cũng rất không đồng ý với đề xuất này.công việc của mình cũng như nhiều lao động khác rất nặng nhọc, việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 với bọn mình đã là điều thiệt thòi lớn.làm tới nghỉ hưu có lẽ cũng không còn sức để làm,nay muốn về lấy một lần mà lại đề xuất giảm 50% thì thật quá thiệt thòi. Tôi xin được bác bỏ đề xuất này".
Bạn đọc Nguyễn Khánh Khoa, thì gay gắt hơn: Lần trước bảo hiểm xã hội đề xuất tăng tuổi hưu, nhiều và rất nhiều ý kiến bạn đọc là chỉ nên tăng với những người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu thôi, vậy mà cuối cùng cũng tăng thôi, người lao động ý kiến thì cũng chỉ là ý kiến thôi, xuống làm cho doanh nghiệp vốn nước ngoài đi xem còn sức để về hưu không vậy? Cạn lời".
Bạn đọc Dương Công Tuấn cũng cho rằng tiền đóng bảo hiểm xã hội là mồ hôi nước mắt của người lao động, chẳng có lý do gì đòi sửa luật giảm 50%, đầy là 1 đề xuất không có nhân văn. Bạn đọc Nguyễn Thị Bích Thúy chia sẻ: "Hàng tháng đồng lương của chúng tôi đều được trừ đều đặn tới khi muốn nhận 1 lần đủ các thủ tục, nhiêu khê. Tôi công tác 20 năm, đóng bảo hiểm xã hội 16 năm. Năm tới tôi cũng về một lần, không muốn đóng bảo hiểm xã hội nữa. Khi chúng tôi không đóng bảo hiểm nữa cần thanh toán cho chúng tôi đầy đủ, đừng ra những điều vô lý".
Bạn đọc Phan Hải cho rằng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có vẻ lạm quyền rồi đó nên nhớ rằng tiền bảo hiểm xã hội là tiền của người lao động, mình là cơ quan quản lý nhà nước thì có trách nhiệm quản lý và chi cho đúng người, đối tượng thụ hưởng.
Bạn đọc tên Nhung bày tỏ quan điểm: Tôi cũng đồng tình với quan điểm tiền bảo hiểm xã hội là tiền của doanh nghiệp và người lao động trực tiếp đóng góp, vì sao lúc đóng vào thì bắt buộc đóng còn lúc muốn rút ra thì phải theo sự quyết định của một phía mà không có sự đồng tình của người đóng. Người lao động hoàn toàn có quyền tự quyết định rút một lần hoặc để lại để hưởng lương hưu. "Nên tìm cách để người lao động cảm thấy an tâm đóng đến hưởng hưu như giảm tuổi hưu tùy theo ngành nghề hay chăm lo cho các người lao động đang hưởng lương hưu, từ đó người lao động tự nguyện và mong đóng đến hưu, đằng này cứ tìm cách tự giảm tiền để người lao động không lãnh một lần" – bạn đọc Votinh viết
Bình luận (0)