Lên mạng xã hội tìm hiểu, anh được biết nhiều doanh nghiệp (DN) tại Quảng Bình đang tuyển dụng các ứng viên cho vị trí mà anh mong muốn. Sau phiên phỏng vấn, anh may mắn được một DN tuyển dụng với mức lương hợp lý. "Làm công nhân cầu đường nên tôi thường xuyên xa nhà. Dù chi tiêu dè sẻn nhưng đồng lương không đủ sống, vì vậy tôi quyết định tìm việc gần nhà để có thời gian chăm lo cho vợ con" - anh Minh nói.
Tương tự là trường hợp chị N.T.Y (27 tuổi, ngụ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Trước đây, chị có 3 năm làm y tá cho một phòng khám tư nhân tại TP Hà Nội, với thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. Toàn bộ số tiền kiếm được chị Y. đều gửi về quê phụ giúp gia đình. Đến với sàn GDVL, chị nộp đơn ứng tuyển vào một bệnh viện tư nhân ở TP Đồng Hới.
"Làm việc ở TP Hà Nội dù thu nhập cao hơn nhưng chi phí sinh hoạt rất tốn kém nên tôi không tích lũy được bao nhiêu. Nếu xin được việc tại địa phương, tôi sẽ tiết kiệm được chi tiêu và có thời gian chăm sóc cha mẹ" - chị Y. bày tỏ.
Người lao động tìm việc tại một phiên giao dịch việc làm ở tỉnh Quảng Bình
Tại phiên GDVL đầu tháng 2-2023 do Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Bình tổ chức, có 19 DN tham gia tuyển dụng gần 3.000 vị trí việc làm ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề - từ lao động phổ thông đến lao động có tay nghề, với mức lương 6 - 20 triệu đồng.
Đa số ứng viên là sinh viên mới ra trường, người lao động (NLĐ) làm việc xa quê trở về muốn tìm được công việc phù hợp, ổn định cuộc sống tại quê hương. Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Quảng Bình, đánh giá các sàn GDVL là cơ hội để DN và NLĐ gặp gỡ, trao đổi, thỏa thuận trực tiếp về điều kiện làm việc, mức lương, phúc lợi…
Đây cũng là cơ hội để NLĐ tìm được việc làm phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình, nhất là được làm việc trên chính quê hương. Cùng với các hoạt động tư vấn việc làm, trung tâm định kỳ tổ chức 2 phiên GDVL vào ngày 2 và 16 hằng tháng để kết nối tuyển dụng giữa NLĐ và DN. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức các phiên đột xuất tùy theo số lượng nhu cầu của các DN và NLĐ.
Bình luận (0)