Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến nay cả nước đã có khoảng 15 triệu người tham gia BHTN. Cùng với số người tham gia tăng, số thu BHTN cũng tăng. Từ năm 2015 đến nay, số tiền thu BHTN tăng bình quân 15%/năm. Trong giai đoạn 2015-2021, bình quân mỗi năm có 750.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN), chiếm khoảng 6,1% số lao động tham gia BHTN, bình quân mỗi năm chi TCTN khoảng 9.600 tỉ đồng. Chỉ tính riêng năm 2022, số người đến nộp hồ sơ hưởng TCTN là 889.011 người; số người có quyết định hưởng TCTN là 879.557 người.
Nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, Bộ LĐ-TB-XH đã trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Việc làm với trọng tâm là sửa đổi các quy định, chế độ liên quan đến BHTN. Chính sách BHTN sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động, hướng đến mục tiêu chủ động phòng ngừa thất nghiệp.
Trong dự thảo hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều tham gia BHTN. Theo Bộ LĐ-TB-XH, người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thường là đối tượng có nguy cơ thất nghiệp cao. Vì thế, khi họ tham gia BHTN sẽ được hưởng các chế độ BHTN nếu mất việc; tăng cơ hội chuyển đổi việc làm; nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới phù hợp.
Bình luận (0)