Gần 2 tháng nay, tiền lời từ gian hàng bán trái cây, bắp nướng… là nguồn thu nhập chính của chị Hoàng Thị Nga (quê Hà Tĩnh). Trước đây, chị Nga và chồng là công nhân (CN) tại KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trước Tết Nguyên đán 2023, do công ty giải thể nên chị Nga rơi vào cảnh thất nghiệp. Xin việc nhiều nơi không được, chị Nga thuê mặt bằng trên đường Gò Ô Môi, phường Phú Thuận, quận 7 để buôn bán.
Gắng gượng vì con
Từ tờ mờ sáng, hai vợ chồng đã chở nhau đến chợ đầu mối lấy trái cây về bán. Thời gian đầu, do chưa quen nên chị không biết cách lựa trái cây, khách hàng vì thế thưa thớt. Phải mất 1 tháng làm quen với việc buôn bán thì thu nhập của chị mới ổn định, khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.
Chị Hoàng Thị Nga bán bắp nướng kiếm thêm thu nhập .Ảnh: HUỲNH NHƯ
Chưa kịp mừng với khoản thu nhập ổn định từ buôn bán thì công việc của chồng chị trong thời gian gần đây lại bấp bênh, mỗi tuần chỉ làm 3-4 ngày. Để có đồng vô đồng ra phụ vợ, chồng chị đăng ký chạy thêm xe ôm công nghệ. Cách đây ít tháng, do việc làm không ổn định trong khi chi phí sinh hoạt tại thành phố đắt đỏ nên hai vợ chồng phải bấm bụng gửi 3 con về quê sống cùng ông bà nội. Tết vừa rồi, do khó khăn nên vợ chồng không về quê. "Dù cuộc sống còn bộn bề nhưng được cái mấy đứa nhỏ chăm ngoan, học giỏi nên bao mệt mỏi tan biến. Vợ chồng tôi cố gắng hết sức cũng vì con" - chị Nga nói.
Cùng bị mất việc trước Tết do công ty thiếu đơn hàng khiến cuộc sống vợ chồng anh Hoàng Xuân Lợi và chị Trần Thị Nga hết sức chật vật. Anh Lợi có tay nghề điện nên dễ dàng xin việc ở một cơ sở điện lạnh tại huyện Bình Chánh, còn chị Nga thì ai kêu gì làm đó. Mùa nắng nóng nên thu nhập từ việc vệ sinh máy lạnh của anh Lợi tương đối ổn, khoảng 500.000 đồng/ngày, riêng chị Nga thì bấp bênh. "Gói ghém lắm thì cũng vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt và gửi một ít phụ giúp ông bà chăm cháu ở quê. Biết ba mẹ cực nên cháu rất ngoan, vâng lời ông bà" - anh Lợi bộc bạch.
Mong có cuộc sống tốt hơn
Sau Tết, chị Phan Thị Hạnh, CN tại một doanh nghiệp (DN) giày da đóng ở KCX Linh Trung II (TP Thủ Đức, TP HCM) chỉ làm 4 ngày/tuần, do công ty thiếu đơn hàng.
Chị Hạnh quê ở Ninh Bình, vào công ty làm việc hơn 9 năm, chồng làm thợ cơ khí nên thu nhập trước đây cũng tạm ổn. Sau dịch COVID-19, DN khó khăn khiến thu nhập của chị không ổn định, cộng với việc mới sinh con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Thông cảm với hoàn cảnh của chị, một đồng nghiệp cùng công ty đã giới thiệu mối cung cấp các loại mỹ phẩm cho chị bán qua mạng.
Nhờ được hướng dẫn tận tình nên chị dễ dàng tiếp cận với công việc phụ này. Sau giờ làm, chị chỉ cần lướt web và chốt đơn hàng cho khách. Khách hàng đa số là đồng nghiệp cùng công ty nên chị Hạnh có thể mang theo khi đi làm để giao hàng. Đối với những khách bên ngoài, chị tranh thủ buổi tối, ngày cuối tuần đi giao. Với công việc này, mỗi tháng chị Hạnh kiếm thêm từ 1-2 triệu đồng để mua sữa cho con, chi tiêu trong nhà.
Theo chị Hạnh, gần đây, nhiều CN cũng bán hàng online, sự cạnh tranh rất lớn nên chị bán hàng luôn đúng giá. Bên cạnh đó, chị thường xuyên chăm sóc khách quen nên vẫn có nguồn khách hàng ổn định. Dù là công việc tay trái nhưng đã trở thành nguồn thu nhập chính của chị trước khó khăn hiện nay.
Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Sơn (quê Long An) cũng cật lực làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Vợ chồng anh Sơn đều làm CN tại những công ty giày da lớn thuộc huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, TP HCM. Nhiều DN giày da - may mặc bị sụt giảm đơn hàng, các công ty nơi anh chị làm việc cũng không ngoại lệ. Tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ 10-12 triệu đồng. "Tiền ăn, tiền trọ, tiền học cho con là hết. Hằng tháng, tôi còn phải gửi tiền về quê phụng dưỡng cha mẹ đã lớn tuổi" - anh Sơn cho hay.
Sau giờ tan ca, anh về nhà trọ ăn vội bữa cơm chiều, rồi chở hàng thuê, chạy xe ôm kiếm thêm. Những công việc không tên này giúp anh Sơn có thêm 3-4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, anh chỉ làm đến 22 giờ để giữ sức hôm sau còn đi làm.
25% công nhân phải chi tiêu tằn tiện
Một khảo sát do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện mới đây với hơn 2.000 CN tại các DN, cho thấy có khoảng 55% người lao động cho biết có tiền lương và thu nhập đủ sống; khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu. Trong năm 2022, mức lương tối thiểu đã được tăng thêm 6%, song giá tiêu dùng tăng chóng mặt. Nhiều CN cho hay con số này khó bù đắp được chi phí sinh hoạt tăng thêm mà họ phải chi trả.
Bình luận (0)