Tết là sum họp, Tết là đoàn viên, được về quê đón tết cùng người thân, gia đình là niềm hạnh phúc nhất của một năm làm ăn vất vả. Với nhiều anh chị em công nhân sống xa gia đình, dù thu nhập còn thấp nhưng họ luôn chắt chiu từng đồng để dành cho những người thân yêu của mình.
Thay ba mẹ lo cho các em
Có mặt từ rất sớm để lên chuyến xe nghĩa tình mà Công đoàn công ty trao tặng, chị Hà Thị Thắm cho biết hai năm rồi chị đều nhận được vé xe nghĩa tình. Chị Thắm cho biết chị rời quê Thanh Hoá vào TP HCM làm công nhân đã gần 10 năm. Là con đầu nên chị phải hy sinh hạnh phúc bản thân để làm lụm cho các em ăn học.
"Tết này về tôi nhân đôi niềm vui vì đứa em út cũng vừa tốt nghiệp đại học. Vậy là cả 3 đứa em đã không phụ công chị ăn học đến nơi đến chốn, ba mẹ tôi rất vui. Vừa rồi mẹ gọi vào bảo 'mi hoàn thành sứ mệnh rồi, các em đã tự lo, mi lo lấy chồng đi nhé' làm tôi cũng giật mình. Giờ tôi đã hơn 30 tuổi rồi, chắc ế quá (cười)", chị Thắm tâm sự.
Chúng tôi hỏi quà chị mang về lần này gồm những gì? Chị Thắm cho hay chị mua cho ba mẹ mỗi người một bộ đồ mới, các em mỗi đứa một đôi giày đi chơi Tết. Riêng ba mẹ còn có thêm hai hộp yến, một số thuốc bổ mà chị đã nghiên cứu là phù hợp cho bệnh lý của người già. "Ba mẹ là trên hết nên tôi chẳng tiếc tiền thuốc men cho ba mẹ. Quê tôi lạnh nên phải mua đồ ấm cho các cụ", chị nói.
Bất ngờ hơn khi chúng tôi biết mức thu nhập của gần 10 năm làm công nhân chỉ vào khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng. Chị cho biết thu nhập thấp nhưng chị có phương châm "khéo co thì ấm". Do đó chị luôn tiết kiệm trên mọi góc độ. Mỗi tháng tổng chi tiêu cho ăn ở của chị Thắm chỉ khoảng 1,8 triệu đồng. Số còn lại chị gửi cho các em ăn học, tháng nào tăng ca đều, có thêm tiền thì gửi cho bố mẹ chi tiêu.
Hành trang về quê đón Tết luôn là những phần quà ý nghĩa cho người thân.
Không dám yêu vì sợ tốn kém
26 tuổi, 7 năm làm công nhân, tướng mão cao to đẹp trai nhưng Lê Thanh Hưng (quê Quảng Ngãi) vẫn chưa có người yêu. Lý do Hưng đưa ra khiến chúng tôi giật mình. "Em không dám yêu ai chứ không phải chưa có ai yêu. Nói thiệt là tôi sợ yêu tốn kém tiền bạc nên tạm thời chưa yêu ai cho đến khi ba mẹ khoẻ mạnh", Hưng cho biết.
Phải khó khăn lắm mới thuyết phục được Hưng kể về gia cảnh của mình bởi theo anh, nhiều gia đình như thế chứ không riêng gì gia đình mình, nôm na chẳng có gì đặc biệt cả.
Hưng cho biết nhà anh có 6 anh chị em, Hưng là con thứ 3 trong nhà. Ba mẹ anh đều làm nông nên nhà rất khó khăn, ba mẹ lại thường xuyên đau ốm với đủ thứ bệnh nên nhà ngày một nghèo hơn. Do đó Hưng cũng sớm nghỉ học vào Sài Gòn tìm việc làm.
Để tiết kiệm tiền trọ, thời gian đầu Hưng xin ở luôn trong xưởng làm việc và sẽ dọn dẹp lại xưởng say mỗi ngày làm việc, việc này coi như chi phí để đổi lại việc được ở tại xưởng miễn phí.
"Hồi trước khi mới vào làm, lương thấp nên tôi tranh thủ bán vé số, lượm ve chai và bơm vá xe đạp dọc đường để kiếm thêm. Việc gì có thêt kiếm được tiền tôi đều làm nếu có thời gian, miễn là kiếm được đồng tiền để gửi về cho ba mẹ ở quê. Sau này công việc tốt hơn, được các cô chú trong xưởng tạo điều kiện học nghề nên tay nghề tôi khá lên, thu nhập cũng tăng lên khá hơn", Hưng tâm sự.
Với Hưng, sức khoẻ của ba mẹ ở quê mới quan trọng nhất bởi theo anh, ba mẹ không còn nhiều thời gian để sống cùng các anh em của anh. Cả đời ba mẹ đã "đầu tắt, mặt tối" lo cho đàn con rồi nên mình còn khoẻ mạnh thì việc quan trọng nhất là lo cho sức khoẻ bậc sinh thành. Cho nên, làm được bao nhiều, anh gửi hết về cho ba mẹ để ba mẹ lo cho các em, mua thuốc men chữa trị bệnh tật. Cũng nhờ anh chắt chiu như vậy mà giờ đây, các em của anh đã được đến trường, căn nhà xiu vẹo ngày xưa giờ cũng được thay bằng căn nhà xây gạch kiên cố, ba mẹ anh cũng khoẻ hẳn, ít bệnh hơn.
Bình luận (0)