Thời gian gần đây, nhiều thông tin về đời sống của công nhân, lao động được công bố đã dấy lên lo ngại về chất lượng cuộc sống của công nhân (CN), đặc biệt là CN ở các khu công nghiệp (KCN)
Lương thấp, sống kham khổ
Chị Nguyễn Thị Lâm (ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá), CN Công ty Giày Hongfu cho biết, công việc vất vả, nhiều khi chị và các CN ở đây phải tăng ca liên tục do công ty chạy sản lượng, nhà xưởng phải sửa chữa. "Ngoài thời gian tăng ca vào chiều, công ty còn tăng ca vào buổi tối. Mặc dù việc tăng ca là tự nguyện nhưng hầu hết CN đều đi làm vì không có sự lựa chọn. Lao động nhà ở xa nên làm tăng ca rất vất vả, đi làm về tối thường bị cướp giật, trêu ghẹo" – chị Lâm nói. Chị Lâm tâm sự, chồng mất sớm, con nhỏ, với mức lương cơ bản hơn 3 triệu đồng/tháng, nếu chị không tăng ca thì lương không đủ nuôi con. Mỗi tháng nếu tính thêm tiền tăng ca chị có thêm gần 1 triệu đồng.
Trong vai một CN, phóng viên đã trực tiếp làm việc, trải nghiệm cuộc sống của CN mới thấy hết sự vất vả của họ. Cũng như chị Lâm, các lao động ở đây chỉ dành 5.000-10.000 đồng cho bữa trưa. "Hiện mỗi bữa ăn giữa ca công ty hỗ trợ 15.000 đồng, nhưng hầu hết công nhân đều không ăn hết số tiền đó. Chúng tôi thường mang cơm nguội và chút thức ăn cũ đi ăn, một số người khác thì ăn xôi với giá khoảng 5.000 đồng" – chị Lâm nói.
Nhiều CN ở tỉnh ra thành phố làm ở các KCN lớn như Bắc Thăng Long (Hà Nội), Sóng Thần (Bình Dương), Khu công nghiệp Tam Phước (Đồng Nai)… còn phải ở trọ trong những căn phòng chật hẹp, nóng bức. Đang loay hoay dọn bữa cơm trưa ăn để chuẩn bị đi làm ca chiều, thấy phóng viên qua hỏi thăm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhài (quê Nghệ An, hiện đang làm CN ở Khu công nghiệp Tam Phước, Đồng Nai) bỗng lúng túng. Căn phòng trọ chừng 8m2, chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc tủ bạt. Giữa cái nắng 36 độ ngày hè, phòng trọ mái tôn nóng bỏng như lò sấy.
Thu nhập bấp bênh khiến đời sống của ại bộ phận công nhân rất khó khăn ẢNH: NGUYỄN LUÂN
"Vợ chồng tôi cưới nhau được 2 năm rồi nhưng chưa có con, nên chỉ thuê phòng nho nhỏ để tiết kiệm tiền. Lúc nào có con, có điều kiện thì thuê phòng lớn hơn. Hôm nào trời nóng thì vợ chồng mua túi đá cho vào chậu nước để quạt cho mát, chứ tiền đâu mà lắp điều hòa" – chị Nhài tâm sự. Cũng bởi muốn tiết kiệm nên ngoài bữa ăn giữa ca trên công ty, về nhà vợ chồng chị Nhài chỉ ăn uống qua loa. Thường chỉ nấu cơm với canh, rau, đậu phụ hay thêm món thịt kho. "Lương hai vợ chồng mỗi tháng được 8,5 - 10 triệu đồng, nhưng hàng tháng vợ chồng tôi phải gửi khoảng 3 triệu đồng về giúp gia đình, số còn lại cũng phải chi tiêu rất tằn tiện mới đủ, chẳng dư được đồng nào" – chị Nhài nói. Công việc vất vả, ngày làm 10-12 tiếng, vợ chồng chị Nhài không có thời gian đi chơi. Ngay cả thời gian về thăm bố mẹ ở quê cũng không có, mỗi năm anh chị chỉ về được 1-2 lần.
Gần 55% lao động không hài lòng về thu nhập
Tất cả những vấn đề trên của công nhân đã được chỉ ra trong nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Công nhân - Công đoàn (CĐ), Tổng LĐLĐ Việt Nam về tiền lương và thời gian làm việc.
Ông Bùi Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện CN - CĐ cho biết nghiên cứu được tiến hành trên 2.550 lao động (hơn 62% lao động nữ), trong đó trực tiếp lấy ý kiến của gần 1.400 lao động thuộc 70 doanh nghiệp (DN) và điều tra ngoài khu trọ với gần 1.200 lao động thuộc hơn 20 doanh nghiệp trong các ngành công thương, nông nghiệp, khai khoáng trong cả nước. "Kết quả về tiền lương, có tới gần 22% lao động được khảo sát cho biết, thu nhập của họ thấp, phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ. 12% trong số này cho biết, thu nhập và tiền lương không đủ sống và phải làm thêm. Chỉ có 16% lao động thu nhập có dư, số này chủ yếu là công nhân mỏ, khai khoáng" - ông Tiến nói.
Có tới 33% lao động nói thu nhập thấp, không đủ sống và phải chi tiêu tằn tiện (Ảnh chụp tại Khu công nghiệp Tam Phước (Đồng Nai). Ảnh: Minh Nguyệt
Chính vì thu nhập không đủ sống nên một số lao động chấp nhận làm thêm để tăng thu nhập, lo cho gia đình. Những lao động này đều cho biết, thực ra họ không mong muốn làm thêm vì làm đủ ca đã mệt nhoài, nhưng vì thu nhập thấp không đủ sống nên phải làm. Thậm chí, khoảng 20% lao động nữ còn cho biết họ muốn được giảm giờ làm thêm, giảm tuổi nghỉ hưu.
Khảo sát này cũng cho thấy có tới 97% DN tăng thời gian làm thêm của người lao động (NLĐ). Thu nhập thực tế của NLĐ chỉ tăng trên tiền lương cơ bản khoảng 1 triệu đồng. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐo Việt Nam cho rằng: "Lao động chấp nhận tăng ca là bước đường cùng, vì thu nhập hiện nay không đủ sống. Ngoài lương cơ bản khoảng 3,5 - 4 triệu đồng, cộng thêm khoảng 1 triệu đồng tiền tăng ca, 50.000 đồng tiền hỗ trợ chỗ ở, tiền đi lại... mỗi tháng lao động thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Nếu phải thuê nhà trọ, chi tiêu ăn ở thì không đủ. Vì vậy, lao động miễn cưỡng tăng ca để thu nhập tăng hơn một chút. Tuy nhiên, hệ lụy tới sức khoẻ rất lớn".
Trong khi đó, một số ngành ít ỏi, như khai khoáng lao động có thu nhập cao hơn nhưng công việc quá vất vả. Ông Lại Văn Chiến - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh - cho biết thu nhập của lao động khai thác than có thể cao hơn (khoảng 14-16 triệu đồng), nhưng môi trường làm việc quá vất vả, nên chẳng ai muốn làm tăng ca, hay tăng giờ làm thêm.
"Hiện mỗi dây chuyền khai thác than có 18-19 lao động làm việc, nhưng đã có 8-9 người nghỉ việc do môi trường làm việc quá khắc nghiệt, lao động dễ mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Chưa tăng giờ làm thêm mà lao động khai thác mỏ đã nghỉ hết, giờ tăng thì chắc chẳng ai dám làm ở ngành này" - ông Chiến nói.
Bà Nguyễn Ngọc Ngà - Hội Y học lao động cho rằng: "Công việc vất vả, chất lượng cuộc sống quá kém, nếu giờ tăng thời giờ làm thêm sẽ khiến lao động bị kiệt quệ, không còn sức lao động. NLĐ sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh tật về cơ xương khớp, tim mạch, sức khoẻ tâm thần... Mặc dù vậy, do cuộc sống mưu sinh trước mắt, lao động vẫn phải tăng ca bởi nếu không tăng ca họ sẽ bước vào con đường cùng vì thu nhập không đủ sống".
Ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tình trạng làm việc theo tính chất dây chuyền hiện nay với điều kiện lao động không đảm bảo, tăng thời gian làm việc khiến lao động căng thẳng, dẫn tới mệt mỏi, suy giảm sức khoẻ, từ đó giảm hiệu suất và tăng nguy cơ gây tai nạn lao động. Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam "Không đồng ý với việc tăng thời gian làm thêm" trong Dự thảo mới của Luật lao động đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến".
Bình luận (0)