Nhiều trăn trở đã được CNVC-LĐ nêu ra tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo quận 8, TP HCM diễn ra cuối tuần qua. Trong đó đáng lo ngại nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quản lý chặt chẽ, thiếu nơi gửi trẻ cho con công nhân (CN), doanh nghiệp (DN) nợ BHXH kéo dài nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để...
Sợ ngộ độc, bệnh tật từ thực phẩm bẩn
Trải lòng với các lãnh đạo của quận, chị Thái Thị Ngọc Kiều, CN tiêu biểu của Công ty CP Sơn Á Đông, thẳng thắn bày tỏ nỗi lo về việc khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay. Chị cho biết mỗi lần đọc thông tin về các vụ ngộ độc do thực phẩm kém chất lượng hoặc chứa chất độc hại, chị và đồng nghiệp cứ phập phồng. "Đây là nỗi lo lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động (NLĐ), riết rồi chúng tôi không biết ăn thứ gì mới an toàn. Vì vậy, tôi đề nghị quận và các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn để CN an tâm làm việc" - chị đề đạt.
Cán bộ Công đoàn quận Gò Vấp, TP HCM góp ý tại buổi tiếp xúc diễn ra chiều 12-1
Tiếp nối ý kiến của đồng nghiệp, bà Phạm Thị Như Ý, phó chủ tịch Công đoàn (CĐ) công ty, cũng cho biết hiện tại không phải DN nào cũng có điều kiện xây dựng bếp ăn tập thể để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm cũng như chế biến thực phẩm an toàn. Do đó, nhiều NLĐ phải đi ăn trưa tại tiệm bên ngoài, thậm chí quán ăn ven đường, chất lượng lẫn vệ sinh đều không bảo đảm. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Bà dẫn chứng: "Thực phẩm bẩn là tác nhân của nhiều loại bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư. Rất nhiều CN và người thân của họ đều bị mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này. Vì vậy, an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề cấp bách cần ưu tiên giải quyết để bảo đảm sức khỏe của NLĐ. Tôi mong chính quyền quận sẽ có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tại các quán ăn và thông tin để NLĐ được biết".
Một vấn để nổi cộm khác được các đại biểu quan tâm là cung cầu lao động. Ông Lê Đình Chi, Chủ tịch CĐ Công ty Dược phẩm An Thiên, cho biết: "Nhiều người trong độ tuổi lao động tại quận 8 không có việc làm nhưng DN muốn tuyển lao động lại rất khó khăn. Đây là một nghịch lý. Tôi nghĩ lãnh đạo quận nên có trung tâm giới thiệu việc làm hoặc các biện pháp hữu hiệu hơn để kết nối NLĐ với DN nhằm tạo việc làm bền vững cho NLĐ đồng thời gỡ khó cho DN" - ông nói.
Với các vấn đề được NLĐ và cán bộ CĐ quận 8 nêu ra, lãnh đạo quận và cơ quan có liên quan đã phản hồi cụ thể tại buổi tiếp xúc. Đối với vấn đề an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết quận đã và đang triển khai nhiều biện pháp giám sát chặt chẽ hơn để tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe của người dân, nhất là CN lao động.
Mong được nâng cao học vấn, tay nghề
Tại buổi gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo quận mới đây, hơn 200 đoàn viên ưu tú, CNVC-LĐ tiêu biểu, cán bộ CĐ quận Gò Vấp, TP HCM cũng nêu ra hàng loạt vấn đề liên quan trực tiếp đến NLĐ. Không những chỉ ra những bất cập liên quan đến chính sách tiền lương tối thiểu và BHXH, các đại biểu đặc biệt quan tâm vấn đề làm sao tăng năng suất lao động hiệu quả nhằm giúp NLĐ và DN thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH May Top One, cho biết trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của DN và CĐ quận, chính sách nâng cao tay nghề cho NLĐ đã được chú trọng hơn. Hằng năm, CĐ quận đều triển khai ôn luyện lý thuyết, thi tay nghề và cấp chứng chỉ nghề cho NLĐ trong ngành may. "Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì vẫn chưa đáp ứng được. Vì vậy, tôi mong muốn lãnh đạo quận sẽ có những chủ trương, chính sách cụ thể để giúp NLĐ nâng cao tay nghề và có việc làm bền vững" - ông Phong đề nghị.
Đồng tình với ý kiến này, ông Phan Phước Tùng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sedo Vina, nói thêm hiện nay chi phí sản xuất mỗi năm một tăng nhưng đơn giá sản phẩm không tăng gây sức ép cho DN. Để giải quyết vấn đề này, buộc NLĐ phải tăng năng suất hoặc DN đổi mới công nghệ, máy móc sản xuất nhưng sức người có hạn, việc tăng năng suất sẽ chỉ đạt được mức độ nhất định, do đó đầu tư đổi mới là chuyện bắt buộc. Ông nhấn mạnh: "Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều quốc gia và sẽ tác động đến đời sống, việc làm của NLĐ và sự phát triển của DN. Để tiếp sức NLĐ và DN, tôi mong lãnh đạo sẽ có biện pháp nâng cao tay nghề cho NLĐ hoặc kiến nghị giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị giúp cho DN có điều kiện sớm đổi mới công nghệ để thích ứng".
Lắng nghe ý kiến của NLĐ, lãnh đạo quận đã ghi nhận và trả lời từng vấn đề mà NLĐ thắc mắc, qua đó giúp họ hiểu hơn các chủ trương cũng như chính sách của quận.
Bình luận (0)