Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì có tới có 8 nhóm hàng tăng giá. Các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định, với mức thu nhập bình quân hiện nay 5,3 triệu/tháng, người làm công đang phải chi tiêu hết sức chật vật, thậm chí phải tằn tiện mới đủ sống.
Lương tối thiểu mới đáp ứng 75% mức sống tối thiểu
Theo Tổng cục Thống kê, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,73%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,54%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,36%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; giáo dục tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,04%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,03%. Mặc dù có 3 nhóm hàng giảm giá là GTVT (giảm 1,52%), bưu chính viễn thông giảm (0,06%); văn hóa, giải trí và du lịch (0,03%).
Công nhân các ngành dệt may, giày da, GTVT, cơ khí, điện tử... đều có mức thu nhập không đủ sống nếu không tăng ca. Ảnh: PV
Điều đáng nói là, trong nhóm hàng tăng giá, thì một số nhóm liên quan và tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, may mặc, giày dép… Đây là những mặt hàng mà người dân trực tiếp sử dụng hàng ngày, nên tác động đến mức sống của người dân không nhỏ.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, mặc dù mức thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ) tăng 372.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã giảm 316.000 đồng so với quý trước. Khu vực thành thị có điều kiện tìm kiếm việc làm dễ hơn cũng chỉ cho thu nhập cao hơn 1,5 triệu đồng so với khu vực nông thôn. Kết quả thống kê cho thấy, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7.2017 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 1,3% so với cùng kỳ; bình quân 7 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,49%...
Trong khi đó, theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, Ban Chính sách - Kinh tế - Xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐ Việt Nam), hiện lương tối thiểu (TT) mới đủ đảm bảo khoảng 75% mức sống tối thiểu. Như vậy, 25% thiếu hụt còn lại, người làm công phải "tự xoay xở", làm thêm đủ các nghề phụ: Giao hàng, bán hàng online, gia công dịch vụ hoặc hoặc thắt chặt chi tiêu mới mong bù đắp.
"Căng thẳng" bài toán chi tiêu hàng tháng
TS Trịnh Thị Phan Lan (ĐH Kinh tế - ĐH Quốc Gia Hà Nội) cho biết: Gần 50% thu nhập của NLĐ (thu nhập thấp - PV) dùng để chi trả trước tiên cho lương thực, thực phẩm - vì đây là nhu cầu thiết yếu. Tiếp theo là các khoản chi cho nhà ở, điện, nước, ga, vật liệu xây dựng. Với mức giá nhà ở,điện, nước, gas… như hiện nay, người thu nhập thấp cũng phải chi khá nhiều cho mặt hàng này. Tiếp đó là các khoản chi cho giáo dục và giao thông, các khoản chi này vẫn luôn chiếm một mức độ ưu tiên nhất định trong cơ cấu chi tiêu.
Điều dễ nhận thấy là người thu nhập thấp chi khá ít cho y tế, họ chỉ chi cho y tế khi thực sự mắc bệnh. May mặc, giải trí, truyền thông và các sản phẩm, dịch vụ khác là những nhóm mặt hàng mà người thu nhập thấp chi tiêu ít nhất trong cơ cấu thu nhập của họ. Có thể kết luận, đối với nhóm người thu nhập thấp, những mặt hàng họ chi tiêu nhiều thì chỉ có thể cắt giảm rất ít, những mặt hàng có thể cắt giảm nhiều lại không chiếm tỉ trọng lớn trong chi tiêu hàng tháng của họ. Vì thế, biến động giá, đặc biệt trong bối cảnh tăng liên tục như hiện nay, thực sự là mối đe dọa lớn tới đời sống của người thu nhập thấp.
PGS.TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến CPI giảm và tăng thấp là do nhu cầu tiêu dùng của người lao động đang bị thắt chặt, thu nhập của nhiều NLĐ chưa đạt mức sống tối thiểu nên phải tiết kiệm chi tiêu hết mức có thể. Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn, dẫn tới thu nhập của NLĐ còn thấp. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm không tiêu thụ được, buộc phải bán ra thị trường với giá rẻ khiến CPI giảm. Việc CPI giảm cho thấy môi trường kinh doanh chưa được thuận lợi và cần có một mức độ tăng nhất định để kích thích đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Với mức thu nhập bình quân 5,3 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập bình quân gia đình trên 10,5 triệu đồng không thể đủ để nuôi 2 con ăn học. Để bù đắp vào phần thiếu hụt này, theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đình Ân - Nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo kinh tế xã hội (Bộ KHĐT) cho rằng: Mức thu nhập của người làm công có thể được bù đắp thông qua các chính sách an sinh xã hội khác như: Y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội.
Nếu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc việc đóng tiền BHXH, cũng là cách gián tiếp để tăng chi trả cho NLĐ. Ngoài ra, các khoản thưởng thi đua, sáng kiến, chính sách bán hàng bình ổn giá, hỗ trợ kinh phí gửi trẻ, xe đưa đón công nhân, chính sách miễn phí khám bệnh đối với trẻ dưới 6 tuổi... cũng phải được coi đây là biện pháp hỗ trợ thu nhập cho NLĐ. Các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định, với mức thu nhập bình quân hiện nay 5,3 triệu/tháng, người làm công đang phải chi tiêu hết sức chật vật, nếu phải nuôi con nhỏ đều phải "căng thẳng" trong bài toán chi tiêu hàng tháng.
Vì vậy, cần phải cải thiện mức thu nhập cho người LĐ thông qua hình thức tăng lương, tăng phúc lợi khác. TS Đặng Quang Thiệu - Giám đốc Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho rằng, có thể không cần bù đắp tất cả 25% mức thiếu hụt bởi điều này ngoài khả năng của người sử dụng LĐ, nhưng nên xem xét để tăng lương cho NLĐ, tối thiểu ở mức 10% để họ cải thiện đời sống.
Kết quả khảo sát mới đây của Tổng LĐLĐ Việt Nam với 1.600 lao động thuộc các ngành dệt may, giày da, GTVT, cơ khí, điện tử, chế biến nông lâm thuỷ sản tại 10 tỉnh thành (gồm: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bến Tre, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP HCM ở 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương theo quy định của Chính phủ…), cho thấy: Khoảng 20% lao động trả lời không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, gần 41% cho biết vừa đủ trang trải và chỉ 8% có tích lũy.
Bình luận (0)