Sau giờ tan ca, nữ công nhân (CN) L.N.Đ làm việc tại một doanh nghiệp (DN) ở quận 9, TP HCM vội vàng chạy xe về nhà trọ. Vừa bước qua cánh cửa phòng trọ, chị nằm vật ra nền nhà thở dốc, khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi. Gần 1 tháng nay, chị Đ. phải tăng ca 4 giờ/ngày (6 ngày/tuần). Ở tuổi 35, chị Đ. bắt đầu cảm nhận được dấu hiệu mệt mỏi khi phải làm việc quá sức. "Gần đây, em hay bị buồn nôn, choáng váng, nhức đầu nhưng không dám nghỉ vì sợ mất tiền chuyên cần. Cứ nghĩ bệnh vặt nên em chỉ mua thuốc uống đỡ, tới đâu hay tới đó" - chị Đ. bộc bạch.
Chấp nhận đánh đổi
Chị Đ. cho biết dù gắn bó với công ty hơn 8 năm nhưng lương cơ bản (LCB) chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Với khoản thu nhập ít ỏi ấy, nếu không tăng ca, chị khó lòng trang trải chi phí sinh hoạt, đặc biệt là lo cho 2 con nhỏ. Dù chấp nhận tăng ca nhưng thu nhập tăng thêm hằng tháng cũng chỉ tròm trèm 4 triệu đồng.
Chồng chị Đ. cũng là CN, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với tổng thu nhập hằng tháng (chưa kể tăng ca) chỉ hơn 10 triệu đồng, cuộc sống của vợ chồng họ hết sức chật vật. Không kham nổi chi phí sinh hoạt đắt đỏ, mới đây, họ quyết định gửi đứa con đầu về quê cho ông bà chăm sóc.
Nền lương tối thiểu thấp khiến công nhân chịu nhiều thiệt thòi Ảnh: AN KHÁNH
Nhiều đồng nghiệp của chị Đ. cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Do thu nhập bấp bênh nên họ xem việc tăng ca là giải pháp duy nhất để cải thiện thu nhập. Tâm sự với chúng tôi, nữ CN H.N.X chia sẻ: "Ngày bình thường làm 8 giờ đã tiêu tốn rất nhiều sức lực, nếu làm thêm nữa thì sức khỏe bị bào mòn. Vẫn biết là không có lợi cho sức khỏe về lâu dài nhưng tụi em làm gì có sự lựa chọn nào khác? Nếu không tăng ca, chắc chắn tụi em không sống nổi". Còn anh L.V.U, CN một DN chuyên gia công giày da ở KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP HCM), tâm sự: "Suất ăn tăng ca đơn giản, không bảo đảm chất lượng nên phần lớn CN chỉ có thể ăn no bụng. Làm việc với cường độ cao trong khi chế độ dinh dưỡng quá kém nên thể trạng CN ngày càng suy kiệt". Nhiều nữ CN do "mải mê" tăng ca nên không thể chăm sóc gia đình, hạnh phúc vì thế cũng đổ vỡ.
12,5% công nhân có thu nhập không đủ sống
Kết quả khảo sát mới nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy có đến 26,5% CN phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% có thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.
PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết tiền LCB hằng tháng của người lao động (NLĐ) nhận được trung bình là 4,67 triệu đồng/người. Ngoài LCB, NLĐ còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN với nhiều tên gọi khác nhau. Thế nhưng, các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ). Cộng tất cả các khoản, tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) chỉ đạt 5,53 triệu đồng/tháng.
Báo cáo của Công đoàn KCN và KCX TP HCM năm 2018, khi khảo sát 11 DN vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Linh Trung I, nơi có đông CN thuộc các lĩnh vực giày da, chế biến thủy sản, đồ gỗ và cơ khí, với quy mô 37.600 lao động, mức LCB trung bình là 4,78 triệu đồng; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng. Khi so sánh thu nhập và chi tiêu, các hộ độc thân có tiết kiệm trung bình 1,2 triệu đồng/tháng; các hộ gia đình sinh 1 con, thu nhập của 2 vợ chồng đủ tạm trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, chỉ mức 300.000 đồng/tháng nhưng có tới 9,1% không có tích lũy và 3,1% gặp khó khăn, thiếu thốn. Riêng các hộ gia đình 2 con thì thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày. "Bức xúc lớn nhất của NLĐ là tiền lương quá thấp, không bảo đảm cuộc sống. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động và đình công" - PGS-TS Vũ Quang Thọ phân tích.
Giúp NLĐ ổn định cuộc sống
Liên quan đến bất cập về chính sách tiền lương tối thiểu (LTT), mới đây, UBND TP HCM đã có công văn kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ bổ sung Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ quy định một số hành vi vi phạm về tiền lương như: Không nâng bậc lương cho NLĐ theo thang lương, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể và quy chế trả lương của DN; trả lương không theo thang lương, bảng lương do DN xây dựng. "Khi công bố tăng mức LTT, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu như: sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống của NLĐ" - UBND TP kiến nghị.
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc nhân sự một DN FDI tại KCN Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP HCM) thừa nhận: "Nền LTT thấp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác và CN là đối tượng chịu thiệt thòi. Để ổn định cuộc sống NLĐ, DN phải hỗ trợ thêm các khoản phụ cấp như nhà trọ, xăng xe, chuyên cần, đi lại… Thế nhưng, không phải DN nào cũng thực hiện chính sách này vì lo ngại tăng thêm chi phí BHXH, BHYT cho NLĐ". Còn ông Cao Sỹ Cường, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Cường Thịnh (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho rằng trước mắt để cải thiện đời sống NLĐ, ngoài hoàn hiện chính sách tiền lương, tự thân DN phải có chính sách chăm lo thỏa đáng cho đối tượng này. "Đối với các khoản phụ cấp bổ sung, nếu trong khả năng cho phép thì chủ DN nên đưa vào thỏa ước lao động tập thể và cố gắng duy trì để động viên, san sẻ khó khăn với NLĐ. Các kiến nghị hợp lý, hợp tình của NLĐ về đời sống, việc làm cần được xem xét, giải quyết thỏa đáng trên cơ sở hài hòa lợi ích DN và NLĐ" - ông Cường góp ý.
"Trong bối cảnh lộ trình LTT phải đáp ứng mức sống tối thiểu đã được xác định (năm 2020) thì việc xác định mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ là vấn đề quan trọng, chi phối trực tiếp đến việc đề xuất mức LTT vùng năm 2019. Vì vậy, đã đến lúc cần phải có một cơ quan chức năng với các tiêu chí cụ thể, khoa học để xác định mức sống tối thiểu theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW" - ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ.
Bình luận (0)