Nhiều DN dù sai phạm rất rõ ràng và đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo song vẫn tỏ thái độ thiếu thiện chí, biểu hiện rõ nhất là từ chối đối thoại với tập thể lao động nhằm hàn gắn quan hệ lao động.
Không khó nhận biết thái độ ấy ở nhiều chủ DN khi liên tục ra thông báo mang tính răn đe, chẳng hạn như dọa đóng cửa nhà máy hoặc sa thải NLĐ nếu họ tiếp tục ngừng việc. Tham gia giải quyết tranh chấp, rất nhiều cán bộ Công đoàn (CĐ) cấp trên cơ sở rất bức xúc với cách hành xử thiếu trách nhiệm ấy của DN. Không bức xúc sao được bởi cái sai hoàn toàn thuộc về DN khi cố tình lấp liếm thực hiện chính sách tiền lương nhằm đẩy hết thiệt thòi cho NLĐ. Có nơi, dù CĐ cấp trên cơ sở đã sớm cảnh báo những hệ lụy sẽ có nếu triển khai chính sách tiền lương (chưa tham khảo ý kiến với CĐ cơ sở) song chủ DN vẫn phớt lờ, dẫn đến tranh chấp bùng phát. Khi tranh chấp xảy ra, thay vì ngồi lại bàn bạc với CĐ cơ sở để rà soát, khắc phục những thiếu sót nhằm ổn định tâm lý NLĐ, nhiều DN lại quay sang mặc cả, cò kè thêm bớt từng đồng với NLĐ. Dĩ nhiên, trong thường hợp này, hơn ai hết, NLĐ sẽ hiểu và cảm nhận rõ thiện chí, nhất là cái tâm của ông chủ đối với họ - những người trực tiếp làm ra sản phẩm cho DN. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình, bày tỏ: “Bán sức lao động để đổi lấy đồng lương, NLĐ chỉ mong có được thu nhập ổn định, xa hơn là tích lũy cho tương lai. Đã sai mà còn ứng xử thiếu thiện chí, rõ ràng DN chưa coi việc chăm lo cho công nhân (CN) là vấn đề sống còn, là nền tảng để ổn định quan hệ lao động”. Từ thực tiễn tại đơn vị, ông Bình cho biết mỗi khi hoạch định chính sách đãi ngộ CN, ban giám đốc công ty ông luôn tham khảo ý kiến của CĐ cơ sở. Mọi đề xuất hợp lý hợp tình của CĐ đều được ban giám đốc xem xét, giải quyết thấu đáo trên tinh thần hợp tác, sẻ chia, nhờ vậy quá trình thương lượng diễn ra suôn sẻ. “Né tránh đối thoại khi giải quyết các vấn đề liên quan đến thu nhập CN, DN sẽ phải gánh những bất ổn không đáng có và điều này cũng sẽ khiến uy tín DN sụt giảm” - ông Bình đúc kết.
Cơ chế đối thoại tại DN được pháp luật lao động quy định khá rõ và DN phải có nghĩa vụ thực hiện. Để pháp luật đi vào thực tiễn và góp phần bình ổn quan hệ lao động, các chủ thể trong quan hệ lao động phải thể hiện thái độ hợp tác, nhất là từ phía người sử dụng lao động.
“Từ chối đối thoại giải quyết các kiến nghị chính đáng, hợp pháp của NLĐ chỉ khiến DN thêm bất ổn. Và một khi quan hệ lao động bị tổn thương thì rất khó hàn gắn, nhất là niềm tin của NLĐ đối với nơi mình làm việc” - ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty Ever Win (100% vốn Đài Loan; KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), khẳng định.
Bình luận (0)