Lương tối thiểu chưa được điều chỉnh trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục "nhảy múa" khiến cuộc sống của người lao động (NLĐ) vốn đã khó khăn nay lại càng khó hơn. Thấu hiểu điều này, bằng những chính sách riêng, nhiều doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Bình Dương đã và đang đồng hành với NLĐ vượt qua thời điểm khó khăn.
Tăng lương, cải thiện phúc lợi
Tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), ngay từ đầu năm, ban giám đốc đã chủ động tăng 250.000 đồng/tháng cho hơn 5.000 công nhân (CN), cùng với đó là tổ chức cho họ thi tay nghề nâng bậc. "Nếu thi đạt yêu cầu, CN sẽ được tăng 1 bậc lương, tương đương 250.000 đồng. Đều đặn, công ty tổ chức thi 3 tháng/lần, từ đầu năm đến nay đã tổ chức 2 lần, có khoảng 80% CN vượt qua đợt sát hạch và được tăng lương" - bà Phạm Thị Duyên, chủ quản cao cấp Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam, nói.
Người lao động tại Công ty TNHH Gia công răng Thời Đại Kỹ Thuật Số luôn được bảo đảm tiền lương, phúc lợi ổn định
Để NLĐ yên tâm làm việc, Công đoàn cơ sở thường xuyên phối hợp với lãnh đạo công ty cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về chính sách lao động - tiền lương và thực hiện tốt các chế độ đối với NLĐ. Thông qua hội nghị NLĐ, mọi kiến nghị của CN đều được tiếp thu, giải quyết thỏa đáng; chế độ phúc lợi từng bước cải thiện qua việc ký kết thỏa ước lao động tập thể. Còn tại Công ty TNHH Hariki Precision Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I, TP Thuận An), dù đối mặt với không ít khó khăn do dịch Covid-19 nhưng ban giám đốc vẫn sẵn lòng chia sẻ với NLĐ.
Ông Huỳnh Công Phát, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết từ đầu năm đến nay, đơn hàng bị cắt giảm khá nhiều, doanh thu sụt giảm khoảng 50%. Tuy nhiên, công ty vẫn cố gắng bảo đảm việc làm thường xuyên cho CN. Không những vậy, công ty đã tăng lương 2 lần cho NLĐ, lần 1 ngay từ đầu năm và lần 2 là trong tháng 4 (CN mới tuyển).
"Để có cơ sở thuyết phục DN nâng lương cho CN, cán bộ Công đoàn đã khảo sát đời sống của NLĐ cũng như so sánh thu nhập với một số DN cùng ngành nghề. Trên cơ sở này, Công đoàn cơ sở tham mưu cho ban giám đốc xây dựng mức tăng lương phù hợp để sẻ chia khó khăn với CN" - ông Phát cho biết thêm.
Tri ân người lao động
Trước bối cảnh giá cả tăng chóng mặt trong khi đời sống NLĐ còn khó khăn, mới đây, Công ty TNHH Gia công răng Thời Đại Kỹ Thuật Số (sản xuất răng sứ; thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã quyết định tăng 17% lương cho hơn 1.600 CN. Đây được xem là sự tri ân hết sức ý nghĩa của ban giám đốc dành cho tập thể NLĐ đối với sự cống hiến của họ trong suốt 2 năm qua.
Ông Bùi Quang Liên, Giám đốc nhân sự công ty, cho biết ngoài thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách dành cho NLĐ, ban giám đốc thường xuyên tổ chức thi tay nghề để nâng lương cho CN. Nếu đạt yêu cầu, CN sẽ được tăng 10% lương; riêng các trường hợp không tham gia thi tay nghề được nâng mức tối thiểu (5%). Ngoài tăng lương, công ty còn hỗ trợ chi phí đi lại cho NLĐ. CN làm việc trên 5 năm còn được công ty mua bảo hiểm nhân thọ, được khám chữa bệnh ở các bệnh viện quốc tế miễn phí.
Cũng không gặp thuận lợi trong sản xuất - kinh doanh nhưng mới đây, Công ty TNHH Hansoll Vina (KCN Sóng Thần 2, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vẫn cố gắng tăng lương (300.000 đồng/người/tháng) cho gần 4.000 lao động. Song song đó, công ty cũng có chính sách hỗ trợ CN bị tai nạn lao động, CN có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động cảm ơn NLĐ được ban giám đốc duy trì để động viên NLĐ an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với DN.
Bà NGUYỄN KIM LOAN, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương:
Vận động doanh nghiệp chia sẻ
Khảo sát đời sống của NLĐ trên địa bàn thì thấy đa phần đều gặp khó khăn do thu nhập từ lương không đủ sống. Nhiều CN phải tăng ca, làm thêm để đủ tiền trang trải cuộc sống. Do vậy, thời gian qua, các cấp Công đoàn tỉnh thường xuyên vận động, thuyết phục DN chia sẻ với NLĐ, không chỉ tăng lương mà còn tăng phụ cấp và các chế độ khác. Cơ bản, các DN ở Bình Dương đều tăng lương cho NLĐ trước khi Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng.
Bình luận (0)