Mới đây, 36 lao động nguyên là công nhân (CN) của Công ty CP Cấp nước Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đã vỡ òa hạnh phúc, reo hò trong sung sướng, thậm chí nhiều người rơi nước mắt, sau khi nghe phán quyết của TAND tỉnh Cà Mau. Theo đó, tính đến ngày 17-11, đã có 29/36 lao động bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật khởi kiện ra tòa được tuyên thắng kiện. Công ty CP Cấp nước Cà Mau buộc phải bồi thường các khoản quyền lợi theo quy định của pháp luật cho người lao động (NLĐ).
Gian nan không chùn bước
Điều đáng nói là để đạt được thắng lợi trên, tập thể lao động đã trải qua không ít khó khăn, thách thức, thậm chí nhiều lúc tưởng chừng tuyệt vọng trong thời gian gần 2 năm ròng rã đòi quyền lợi.
Công nhân Công ty CP Cấp nước Cà Mau tham dự phiên xử phúc thẩm tại TAND tỉnh Cà Mau
Trước đó, do thực hiện chuyển đổi công ty TNHH 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Công ty Cấp Thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau (tiền thân của Công ty CP Cấp nước Cà Mau) đã xây dựng phương án sắp xếp lao động dôi dư. Theo quy định, khi tiến hành xây dựng phương án giải quyết lao động dôi dư, công ty phải phối hợp với ban chấp hành Công đoàn tổ chức đại hội CNVC hoặc đại hội đại biểu CNVC để cho ý kiến về danh sách lao động. Tuy nhiên, công ty đã bỏ qua bước quan trọng này và ra quyết định cho 76 CN nghỉ việc vào ngày 11-9-2015.
Không đồng tình, NLĐ đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng và nộp đơn khởi kiện ra TAND TP Cà Mau. Oái oăm là sau đó dù được các cơ quan chức năng lẫn UBND tỉnh Cà Mau kết luận là công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với NLĐ nhưng tại các phiên xét xử sơ thẩm, 29/36 trường hợp vẫn bị tòa xử thua (7 vụ chưa xử).
CN Hoàng Đức Nguyên chia sẻ: "Khi nhận được bản án sơ thẩm, chúng tôi rất chán nản và thất vọng. Song vì chúng tôi luôn tin là mình đúng và việc đòi quyền lợi là hoàn toàn có cơ sở pháp lý nên mọi người đã động viên nhau quyết theo đuổi tới cùng. Đến nay, sự kiên trì của chúng tôi đã được đền bù xứng đáng".
"Quả ngọt" từ sự kiên trì
Không am hiểu pháp luật, thủ tục khởi kiện rườm rà, thời gian xét xử kéo dài, tốn kém tiền bạc nhưng không biết có thu về được kết quả hay không là những lý do mà nhiều NLĐ hiện nay đưa ra để biện minh cho việc từ bỏ quyền lợi của mình. Cũng từng có suy nghĩ như vậy nhưng với mong muốn phải làm cho công ty nhận ra cái sai của mình mà hành xử đúng luật, tránh cho những NLĐ sau này bị chèn ép, chị Trang Thị Xuân Thảo (quận 5, TP HCM) đã quyết tâm khởi kiện công ty ra tòa.
Chị Thảo cho biết trước đó, vào ngày 7-9-2016, chị nhận được thư mời nhận việc từ Công ty E.Z (quận 3, TP HCM) với chức danh trợ lý kinh doanh. Sau khi hết thời gian thử việc, chị Thảo tiếp tục làm việc tại công ty nhưng không được ký HĐLĐ. Đến ngày 31-1-2017, công ty đột ngột ra quyết định cho chị thôi việc mà không nêu lý do. Bức xúc, chị nộp đơn khởi kiện ra tòa. Tháng 9-2017, TAND quận Bình Tân, TP HCM đã xét xử và tuyên buộc công ty phải nhận chị Thảo trở lại làm việc và bồi thường hơn 41 triệu đồng vì đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Nói về quá trình khởi kiện, chị Thảo chia sẻ: "Trước đây, kiến thức về pháp luật lao động của tôi khá hạn chế nên khi xảy ra sự việc, dù biết công ty đã sai nhưng tôi rất bối rối, không biết phải làm sao để đòi quyền lợi. Sau đó, tôi bắt đầu tìm hiểu luật và đến các đơn vị tư vấn pháp luật để nhờ tư vấn, hướng dẫn. Có lần, tôi đến một cơ quan nọ, xem hồ sơ xong, người ta phán "công ty đúng rồi" và khuyên tôi từ bỏ vụ kiện kẻo tốn công vô ích. Khi đó, tôi cũng khá lo lắng nhưng nghĩ tới việc nếu hôm nay mình không làm cho ra lẽ mà cam chịu bị đuổi việc oan uổng như một số đồng nghiệp trước đó đã từng bị thì sắp tới, ắt sẽ có người tiếp tục lâm vào cảnh giống mình. Nghĩ vậy nên tôi quyết tâm không bỏ cuộc".
Làm sai, tổng giám đốc phải xin lỗi
Tương tự, cũng nhờ quyết liệt trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nên mới đây, đích thân Tổng Giám đốc Công ty M.R.G (tỉnh Đồng Nai) đã phải nhận thiếu sót trước chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, CN công ty, đồng thời bồi thường cho chị 12 tháng tiền lương vì đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Sự việc bắt đầu vào đầu năm 2017, khi đó, hàng loạt CN trên 35 tuổi đều bị công ty hù dọa và viện đủ lý do để cho nghỉ việc.
Trong khi các đồng nghiệp lo sợ và chấp nhận nộp đơn xin nghỉ việc theo ý của công ty thì chị Tuyền vẫn kiên định với suy nghĩ: "HĐLĐ không xác định thời hạn đã ký vẫn còn hiệu lực, mình không làm gì sai; không vi phạm nội quy, kỷ luật của công ty thì không có lý do gì phải xin nghỉ việc". Không hù dọa được chị, công ty chuyển sang không cho chị làm việc và bắt ngồi cách ly với mọi người suốt 45 ngày. Vẫn không ép được chị, sau đó công ty đã ra quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không nêu được lý do.
Hướng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng việc NLĐ kiên trì tới cùng trong việc đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của bản thân sẽ góp phần "răn đe" các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, cũng góp phần làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, hướng doanh nghiệp đến việc tuân thủ pháp luật, không áp dụng pháp luật tùy tiện, xâm phạm quyền lợi NLĐ dẫn đến tranh chấp, ngừng việc.
Bình luận (0)