ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng việc công nhân đồng ý làm thêm là do lương chưa đủ trang trải cuộc sống
Chiều 12-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) là người đầu tiên có ý kiến thảo luận.
Đưa ra cách nhìn về bản chất của quy định mở rộng khung làm thêm giờ tối đa lên đến 400 giờ/năm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng quy định này có vẻ như quan tâm đến lợi ích của người lao động và cũng đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động khi cần đáp ứng những đơn hàng hay lúc cần thiết, cấp bách trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất vấn đề thì rõ ràng nếu đặt ra vấn đề làm thêm giờ thì đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội.
Nữ ĐB TP HCM phân tích: "Thử tính trong một năm người lao động làm thêm đến 400 giờ thì họ còn có bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi, để có thể phục vụ cho nhu cầu khác như học tập, giải trí, chăm lo cho gia đình, con cái…? Có những công nhân hàng chục năm không về quê, con cái sinh ra không chăm sóc được mà phải gửi về quê cho bố mẹ thì thử hỏi còn chuyện gì xót xa hơn?". ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận việc người công nhân cần làm thêm để có thêm thu nhập, vì đồng lương của họ so với mọi trang trải cuộc sống còn quá eo hẹp, thiếu thốn. "Nhưng hỏi công nhân có nhu cầu làm thêm không thì họ không có nhu cầu này"- ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu.
Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm kiến nghị QH nên bàn theo hướng đưa chính sách vào bộ luật để quan tâm đến người lao động theo cách khác ưu việt, thỏa đáng, cải thiện thu nhập cho họ mà vẫn có thời gian để họ nghỉ ngơi, chăm sóc con cái. Với người sử dụng lao động, nếu cần thiết mà thỏa thuận giờ làm thêm thì phải trả tiền lương theo cách tính lũy tiến để bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
ĐB Trần Văn Tiến đề nghị tăng luỹ tiến tiền lương từ giờ thứ 201 đến 400 giờ
Đồng tình với những điều chỉnh của dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng phần lớn người lao động không muốn tăng giờ làm thêm từ 300 giờ lên 400 giờ/năm nhưng để tăng thu nhập trang trải cuộc sống nên một bộ phận đã đồng tình. Hơn nữa, nhiều năm qua, họ đã phải làm thêm giờ và vượt khung giờ làm thêm theo quy định rất nhiều. Tuy nhiên, theo ĐB Tiến, cần có quy định về mức lương làm thêm từ 201 đến 400 giờ phải cao hơn thời gian làm thêm từ 100 - 200 giờ.
Cùng kiến nghị người sử dụng lao động phải trả lương lũy tiến trong khung giờ làm thêm, ĐB Trương Phi Hùng (đoàn Long An) kiến nghị các mức tăng lương cụ thể như sau: Trong ngày làm việc bình thường, tiền lương trả trong 2 giờ đầu làm việc phải bằng ít nhất 150% mức lương cơ bản, trong 1 giờ tiếp theo sẽ tăng thêm 20%, giờ tiếp theo nữa tăng 30%...; người lao động làm thêm trong ngày nghỉ được trả bằng 300% và ngày lễ, Tết bằng 400%.
Đề nghị không thay đổi giờ làm việc
Cho rằng thời gian làm việc tại các thành phố hiện đã ổn định ĐB, Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị giữ nguyên thời gian làm việc như hiện nay (dự thảo luật đề xuất thay đổi thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trong toàn quốc từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút, trừ bộ phận làm việc 24/24 giờ - PV). ĐB Tiến cho rằng cũng nên giữ nguyên các ngày nghỉ lễ. Với đề xuất tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ vào dịp 27-7, ĐB Tiến đề nghị cần đánh giá tác động và lấy ý kiến nhân dân.
Bình luận (0)