Ngày 23-9, Đại hội Công đoàn TP HCM lần thứ XII nhiệm kỳ 2023-2028 đã chính thức khai mạc với sự tham gia của 549 đại biểu. Song song với việc đánh giá những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2018-2023, đại hội còn tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên - lao động; tăng cường niềm tin, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động (NLĐ).
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Theo lãnh đạo LĐLĐ TP HCM, một trong những kết quả nổi bật của Công đoàn thành phố nhiệm kỳ 2018-2023 là việc chăm lo cho đoàn viên - lao động và ứng phó với đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh khốc liệt của đại dịch COVID-19, có thời điểm nhiều hoạt động gần như tê liệt, đời sống đông đảo CNVC-LĐ bị ảnh hưởng, các cấp Công đoàn TP HCM đã huy động toàn bộ nguồn lực - từ con người, tài chính đến cơ sở vật chất - để cùng cả hệ thống chính trị ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh; thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chung của thành phố. Hơn 1,3 triệu lượt đoàn viên - lao động bị ảnh hưởng đã được các cấp Công đoàn chăm lo với kinh phí 692 tỉ đồng trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ và tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ Công đoàn TP HCM.
Dấu ấn khác trong nhiệm kỳ 2018-2023 là chương trình "Phúc lợi đoàn viên" với ý nghĩa nhân văn, trách nhiệm, chăm lo kịp thời đời sống đoàn viên - lao động, tạo sức hấp dẫn, gắn kết với tổ chức Công đoàn. Thông qua việc ký kết hợp tác, chương trình được triển khai rộng khắp trên địa bàn TP HCM, đa dạng về cả phương thức lẫn lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ phục vụ nhu cầu của đoàn viên - lao động.
Thích ứng với tình hình mới, "Phiên chợ online" ra đời. Đây là một hình thức hỗ trợ tiêu dùng áp dụng thương mại điện tử, mua sắm mới với mong muốn gia tăng số lượng người tham gia, thụ hưởng; mở rộng sự lựa chọn hàng hóa; giảm chi phí, thời gian tổ chức; hướng đến tiêu dùng hiện đại, văn minh, phù hợp xu thế phát triển.
Các hoạt động chăm lo dành cho đoàn viên - lao động có hoàn cảnh khó khăn, các chương trình truyền thống nhiều năm của Công đoàn TP HCM cũng tiếp tục được duy trì hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ giai đoạn 2018-2023 theo Nghị quyết Đại hội XI được các cấp Công đoàn TP HCM triển khai đồng bộ, hiệu quả. Dù giai đoạn vừa qua gặp rất nhiều khó khăn song tình hình quan hệ lao động trên địa bàn cơ bản ổn định, không phát sinh những điểm nóng phức tạp kéo dài, lây lan, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, trao đổi với các đại biểu dự Đại hội XII Công đoàn TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều mô hình chăm lo thiết thực
Đại hội Công đoàn TP HCM lần thứ XII cũng là dịp để một số đơn vị điển hình chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chăm lo, bảo vệ đoàn viên - lao động.
Để chương trình "Phúc lợi đoàn viên" đi vào chiều sâu, thực chất, LĐLĐ quận Bình Tân đã chủ động tìm các đối tác có sản phẩm phù hợp, chất lượng, giá ưu đãi nhất ký kết nhằm phục vụ đoàn viên - lao động. Để hàng hóa đến gần hơn NLĐ, LĐLĐ quận còn phối hợp với doanh nghiệp (DN) và chủ nhà trọ tổ chức chương trình tận nơi công nhân (CN) làm việc, sinh sống.
"Qua các chương trình như "Đồng hành cùng CN - lao động bị bệnh hiểm nghèo", hỗ trợ vay vốn, tặng thẻ BHYT, sổ BHXH, LĐLĐ quận đã san sẻ khó khăn với hàng chục ngàn đoàn viên. Thông qua hoạt động chăm lo, đoàn viên - lao động ngày càng hiểu hơn về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn" - ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, nhìn nhận.
Theo bà Võ Minh Thanh Tùng, Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức, việc thường xuyên chỉ đạo cán bộ Công đoàn cơ sở nắm bắt kịp thời, cũng như giải quyết hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ ở những DN giải thể, thu hẹp sản xuất hoặc có chủ bỏ trốn cũng là cách để bảo vệ, chăm lo cho NLĐ. Do thực hiện tốt chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát, kết hợp với việc tuyên truyền vận động DN có tổ chức Công đoàn, thời gian qua, quan hệ lao động trên địa bàn Thủ Đức tương đối ổn định.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch HĐTV Tổ chức Tài chính vi mô CEP, cho biết do tác động của đại dịch COVID-19 dẫn đến việc làm, thu nhập không ổn định, không có tiết kiệm dự phòng, nhiều NLĐ đã vướng vào tín dụng đen. Do đó, CEP rất phấn khởi khi Đại hội Công đoàn TP HCM lần thứ XII đã xây dựng chương trình "Công đoàn thành phố đẩy mạnh hoạt động trợ vốn cho đoàn viên - lao động, góp phần tham gia phòng chống tín dụng đen giai đoạn 2023-2028".
Qua khảo sát, thu thập ý kiến NLĐ, CEP đã đăng ký tham gia thực hiện 3 nhóm giải pháp cụ thể. Theo đó, mở rộng phạm vi phục vụ đoàn viên - lao động; nâng cao kiến thức tài chính, giúp NLĐ phòng tránh tín dụng đen và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; phát triển nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao của NLĐ. Trong giai đoạn 2023-2028, CEP sẽ hỗ trợ trên 1,4 triệu lượt NLĐ với tổng doanh số cho vay trên 50.000 tỉ đồng.
"Để tham gia hiệu quả chương trình hành động của tổ chức Công đoàn TP HCM trong nhiệm kỳ tới, CEP kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam có chủ trương cho phép LĐLĐ các cấp tham gia gửi tiền có kỳ hạn tại CEP, góp phần gia tăng nguồn vốn phục vụ NLĐ. Bên cạnh đó, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về quản lý tài chính đối với CEP trên cơ sở Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản pháp luật chuyên ngành; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa luật, thông tư liên quan, tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn hoạt động tài chính vi mô" - ông Hoàng Văn Thành đề xuất.
Một số kết quả nổi bật nhiệm kỳ 2018-2023
- Thành lập 6.741 Công đoàn cơ sở, kết nạp 617.241 đoàn viên - đạt 116,5% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra.
- Chương trình "Tết sum vầy" có 2.382.456 lượt đoàn viên - lao động tham dự. 6.280.884 lượt đoàn viên - lao động được DN, Công đoàn cơ sở chăm lo Tết với tổng kinh phí 3.089 tỉ đồng, trong đó nguồn kinh phí Công đoàn chi 801,4 tỉ đồng.
- Chương trình "Tấm vé nghĩa tình" đã hỗ trợ 230.335 vé xe, 4.754 vé tàu hỏa và 185 vé máy bay với tổng kinh phí 149 tỉ đồng.
- Các cấp Công đoàn đã trao tặng 99.519 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh, trị giá trên 67 tỉ đồng.
- 47.561 lượt Công đoàn cơ sở hưởng ứng thi đua, thực hiện 10.776 đề tài, công trình nghiên cứu khoa học và 35.921 sáng kiến cải tiến kỹ thuật - tiết kiệm và làm lợi 3.671 tỉ đồng.
(Nguồn: LĐLĐ TP HCM)
. Ông HÀ QUANG TUYẾN, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Giày Thiên Lộc (quận 12, TP HCM):
Ông HÀ QUANG TUYẾN
Tăng cường trợ vốn cho người lao động
Trong bối cảnh đời sống CNVC-LĐ gặp nhiều khó khăn khi trải qua đợt dịch COVID-19 dài và tình hình suy thoái kinh tế trên thế giới, đoàn viên kỳ vọng tổ chức Công đoàn TP HCM tiếp tục phát huy thế mạnh chăm lo của mình, đa dạng hóa các hình thức chăm lo cho NLĐ.
Không chỉ chú trọng chăm lo về tinh thần, vật chất, Công đoàn cần quan tâm hơn trong việc ổn định việc làm, cải thiện thu nhập, phúc lợi cho đoàn viên; mở rộng các kênh hỗ trợ vốn vay, giúp NLĐ giải quyết khó khăn trong cuộc sống, tránh xa tín dụng đen.
Tôi đánh giá cao việc LĐLĐ TP HCM xác định Công đoàn thành phố tham gia phòng chống tín dụng đen trong CN là chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ưu thế của Công đoàn TP HCM là có CEP, một đơn vị trực thuộc, đang hoạt động rất hiệu quả trong việc hỗ trợ vốn vay cho đoàn viên, NLĐ giải quyết khó khăn, tự tạo việc làm để tăng thu nhập.
. Ông TRẦN NGỌC QUANG, cán bộ Công đoàn các KCX-KCN TP HCM:
Ông TRẦN NGỌC QUANG
Tạo điều kiện cho công nhân nâng cao trình độ
Theo tôi, chỉ tiêu Công đoàn TP HCM nhiệm kỳ 2023 - 2028 tham gia thúc đẩy để ít nhất 65% đoàn viên - lao động tại các DN học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp rất khó thực hiện đạt, cần đánh giá lại.
Thời gian qua, các cấp Công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích NLĐ học tập nâng cao trình độ thông qua việc phối hợp với một số trường đại học tổ chức đào tạo, miễn giảm học phí, cấp học bổng… nhưng số lượng đăng ký khá hạn chế. Nguyên nhân là vì NLĐ không bố trí được thời gian tham gia các lớp học, chương trình học tập dài hạn do thời gian làm việc nhiều. Cuối tuần hay sau giờ làm việc, NLĐ chỉ muốn nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình. Ngoài ra, dù có tốt nghiệp, có bằng cấp, chưa chắc NLĐ được DN xét nâng lương.
Vì thế, để khuyến khích NLĐ, song song với chính sách hỗ trợ của Công đoàn cấp trên, Công đoàn cơ sở cần chủ động thương lượng, đề xuất với chủ DN có các chế độ, chính sách lương, phúc lợi tương xứng với trình độ, năng lực và đóng góp của họ.
Cao Hường ghi
Bình luận (0)