Tốt nghiệp chuyên ngành thủy lợi Trường ĐH Thủy Lợi, anh Lê Trường Thọ chính thức về đầu quân cho Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi TP HCM (HCMC IMC). 23 năm liên tục làm việc cho công ty, hiện anh Thọ là Trưởng Phòng Thủy nông. Hàng chục công trình sáng kiến, cải tiến hữu ích của anh Thọ đã góp phần đưa hoạt động công ty đi vào quy củ, chuyên nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, vận hành. Anh Thọ là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020.
Giúp công nhân bớt nhọc nhằn
Điều khá thú vị là hầu hết sáng kiến của anh Lê Trường Thọ đều có dấu ấn của công nghệ. Theo lý giải của anh, trong bối cảnh hội nhập, nếu không mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý thì khó đạt hiệu quả lâu dài. Sáng kiến "Giải pháp xây dựng phần mềm ứng dụng phục vụ công tác quản lý vận hành các công trình thủy lợi (IMC SNAP)" được xây dựng vào năm 2018 là một ví dụ.
Công ty được giao nhiệm vụ quản lý vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn TP HCM phục vụ sản xuất, dân sinh, kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, thông tin về giám sát, quan trắc vận hành công trình đều thực hiện một cách thủ công rất tốn thời gian và công sức. Đó cũng là lý do IMC SNAP ra đời. IMC SNAP là kênh thông tin 2 chiều giữa công ty và người sử dụng (đơn vị sử dụng nước, người dân...), phản ánh về tình hình vận hành công trình thủy lợi, điều tiết nước phục vụ tưới tiêu, ngập úng, ô nhiễm.
Với sự ra đời của IMC SNAP, những phản ánh của khách hàng đều được công ty phản hồi kịp thời, nhanh chóng. Anh Thọ cũng đặc biệt tâm đắc với sáng kiến "Ứng dụng giải pháp công nghệ tưới tự động và phân phối nước hiệu quả (SCADA) - khu tưới kênh Đông Củ Chi" được thực hiện năm 2019. Đây là sáng kiến mang lại hiệu quả tức thì cho việc tiết kiệm nước và hiệu quả sử dụng nước.
Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nguồn nước ngày càng khan hiếm, đặc biệt là lượng nước thủy lợi phục vụ hoạt động trồng trọt, sản xuất ngày một lớn hơn trong khi hệ thống kênh mương, các cống, đập điều phối nước chưa được lắp đặt những thiết bị đo lường, kiểm soát dòng chảy, lượng nước. Do đó nước bị thất thoát khá nhiều và sử dụng không hiệu quả. Bài toán đặt ra là phải tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước.
Anh Lê Trường Thọ tại phòng điều hành SCADA
Xuất phát từ thực trạng đó, anh Thọ đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp SCADA. SCADA là một hệ thống được tích hợp trong phần mềm quản lý, giám sát, điều hành hệ thống tưới theo thời gian thực với 24 trạm kiểm soát nước tưới tự động trên 24 tuyến kênh cấp 1 thuộc hệ thống kênh Đông Củ Chi.
Trung tâm điều hành hệ thống SCADA được đặt tại Xí nghiệp Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Củ Chi. Với sáng kiến này, anh Thọ đã góp phần tiết kiệm tối đa nguồn nước trên kênh Đông Củ Chi (hơn 6,5 triệu m3/năm) với giá trị ước tính hơn 2,7 tỉ đồng. "Sáng kiến không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về hiệu quả kinh tế mà còn là yếu tố con người. Nhờ sáng kiến này mà công nhân vận hành tiết kiệm rất nhiều công sức. Quan trọng hơn là họ nhận thức được rằng việc áp dụng công nghệ có thể nâng cao hiệu quả quản lý" - anh Thọ chia sẻ.
Sẻ chia với đồng nghiệp
Là kỹ sư thủy lợi, được làm việc đúng chuyên ngành, anh Lê Trường Thọ lại có thêm lợi thế quan trọng là tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin và có bằng cử nhân Anh văn. Thọ cho biết bằng cấp không quan trọng lắm, anh học là để phục vụ cho chính công việc của mình. Điều đó cũng phần nào giải thích tại sao anh Thọ luôn đưa công nghệ, vận dụng công nghệ và tìm tòi những kiến thức bổ ích vào công tác quản lý, điều hành và vận hành hệ thống thủy lợi mà mình đảm trách. Với vốn kiến thức nền vững chắc được bồi đắp qua năm tháng, anh Thọ không ngần ngại chia sẻ với đồng nghiệp, cùng nhau đưa công ty phát triển ổn định.
Là tác giả của nhiều sáng kiến song anh Thọ luôn dành sự tri ân đặc biệt đối với những cộng sự của mình. Với anh, thành công của cá nhân không thể tách rời với những đóng góp của tập thể. "Kỹ sư trẻ bây giờ năng động và sáng tạo lắm, họ làm việc hăng say, lăn xả, trách nhiệm. Nhờ họ hỗ trợ mà các sáng kiến của tôi được thực hiện nhanh hơn. Họ cũng truyền tải rất nhanh sáng kiến đến các tổ - nhóm, nhờ vậy đến bây giờ ai cũng sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ cho công việc" - anh nói thêm.
Dành cả tuổi thanh xuân cho công việc tại HCMC ICM nhưng với Lê Trường Thọ, mọi việc vẫn còn ở phía trước bởi theo đánh giá của anh, công nghệ đang được toàn TP ứng dụng rất nhanh nhưng chưa đồng bộ, chưa liên kết được với nhau nên đâu đó vẫn còn manh mún. Anh rất trăn trở làm sao để có thể kết nối với các cơ quan liên quan đến môi trường, khí hậu, thủy lợi của cả TP, xa hơn là trong cả khu vực, để khi có bất cứ biến động nào liên quan đến thủy cục, mưa nắng, ô nhiễm... sẽ được phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng theo hướng tinh gọn, khoa học và tiết kiệm.
Làm được như vậy thì hiệu quả sẽ được nhân lên gấp nhiều lần và có nhiều ý nghĩa hơn trong việc phát hiện, phát triển nguồn tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ môi trường, cảnh báo thiên tai, hạn chế thiệt hại về tài sản và nhân mạng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-8
Kỳ tới: Con đường tới thành công
Bình luận (0)