Tận mắt chứng kiến dàn máy chia cuộn, máy kiểm tra, máy làm túi hoạt động nhịp nhàng với năng suất cao tại Xí nghiệp Bao bì An Khang - Tổng Công ty Liksin (KCN Tân Đức, tỉnh Long An), chúng tôi rất thích thú. Ông Ngô Văn Lộc, Giám đốc xí nghiệp, cho biết tất cả thiết bị trên đều được cải tiến, nâng cấp từ ý tưởng của ông Nguyễn Hải Bằng - Phó Quản đốc phân xưởng thành phẩm của xí nghiệp.
Học hỏi không ngừng
Sinh ra trong gia đình nông dân có 4 anh chị em tại Bến Tre, học hết THPT, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Bằng không thi vào đại học mà tham gia nghĩa vụ quân sự tại địa phương. Xuất ngũ năm 2005, ông xin vào làm việc tại tổ thành phẩm Xí nghiệp Bao bì Nhựa Liksin. Năm 2010, khi xí nghiệp tách làm 2, ông Bằng về làm việc tại Xí nghiệp Bao bì An Khang.
Xuất phát điểm là công nhân (CN) nhưng 17 năm gắn bó với nghề, ông Bằng luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ, kiến thức. Những lần chuyên gia nước ngoài đến lắp đặt thiết bị, ông lắng nghe, ghi chép tỉ mỉ. Với những từ tiếng Anh chuyên ngành, ông nhờ đồng nghiệp dịch sang tiếng Việt, sau đó lên mạng tìm đọc thêm tài liệu hướng dẫn của nước ngoài. Chính niềm đam mê nghề nghiệp đã giúp ông nắm bắt nhanh công nghệ mới và năm nào cũng đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến có tính ứng dụng cao.
Ông Nguyễn Hải Bằng (phải) hướng dẫn công nhân xí nghiệp vận hành máy
"Ông Bằng là một trong những điển hình vươn lên trong nghề nghiệp, sẵn lòng truyền đạt kinh nghiệm cho lớp thợ đàn em. Tinh thần hăng say lao động sáng tạo ở ông đã góp phần thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến trong tập thể lao động tại xí nghiệp".
Trong hàng chục sáng kiến, cải tiến, ông Bằng nhớ nhất là sáng kiến "Thay đổi công năng máy làm túi 3". Ông kể năm 2012, đơn hàng quá nhiều nhưng máy móc thiếu. Nếu nhập máy mới thì xí nghiệp phải chi gần 10 tỉ đồng. Để tiết kiệm chi phí cho xí nghiệp, ông lên ý tưởng cải tiến chiếc máy cũ không sử dụng trong kho. Được ban giám đốc ủng hộ, ông hợp tác cùng một đơn vị cơ khí bên ngoài tìm mua trang thiết bị, vật liệu phù hợp để cải tiến máy. Tổng chi phí thực hiện công trình chỉ khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ tiết kiệm tiền tỉ, máy còn hoạt động khá tốt, giúp xí nghiệp bảo đảm tiến độ giao hàng.
Không giấu nghề
Một lần ghé thăm nhà máy của đối tác, nhận thấy CN ở đơn vị này sử dụng dao cắt màng túi không hiệu quả, phải ngừng máy để điều chỉnh nên mất nhiều thời gian, ông Bằng đề xuất ý tưởng cải tiến. Với việc chọn vật liệu phù hợp, dao cắt do ông Bằng chế tạo rất sắc, dễ dàng cắt màng túi, từ đó giúp CN thao tác nhanh hơn. Loại dao mới này có giá chỉ 400.000 đồng/dao.
Với những đóng góp thầm lặng nhưng hiệu quả, từ một CN bình thường, năm 2012, ông Bằng được đề bạt lên vị trí Phó Quản đốc phân xưởng thành phẩm. Kinh nghiệm đúc kết ở mỗi vị trí làm việc được ông ghi lại và chia sẻ, giúp CN vận hành máy tốt hơn. Đến nay, ông đã đào tạo cho 48 CN trong tổ. CN Trần Văn Trà nhận xét: "Anh Bằng là gương sáng về tinh thần tự học tập và vươn lên trong cuộc sống. Những ý tưởng hay, những điều học hỏi được, anh đều san sẻ cùng anh em".
Với vai trò Chủ tịch Công đoàn bộ phận Xí nghiệp Bao bì An Khang, trong thời gian xí nghiệp sản xuất "3 tại chỗ", ông Bằng là người chăm lo từng bữa ăn, viên sủi, túi trái cây cho đoàn viên của xí nghiệp… Ông cũng là người trực tiếp xét nghiệm Covid-19, lên lịch cho đoàn viên tiêm vắc-xin, xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh, vận động mọi người tuân thủ quy định 5K. CN làm việc "3 tại chỗ" được ban giám đốc hỗ trợ 500.000 đồng/tuần. Suốt 3 tháng làm "3 tại chỗ", xí nghiệp không có CN nào trở thành F0. Đó là niềm vui lớn với ông.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-8
Kỳ tới: Khó mấy vẫn quyết tâm làm
Bình luận (0)