11 năm gắn bó với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao (trực thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM), bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm, đã để lại nhiều dấu ấn trong việc nghiên cứu khoa học. Bà Khánh là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được xét trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng 2022.
Nâng tầm ngành nông nghiệp
Nhiệm vụ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao là sản xuất giống mới và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống cây, giống hoa, giống con, đặc biệt là nhân giống các giống cây dược liệu quý hiếm. Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao, việc tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho người dân rất được trung tâm chú trọng, triển khai liên tục. Hàng trăm loại giống cây trồng cho giá trị kinh tế cao đã được trung tâm chuyển giao không chỉ cho người dân TP HCM mà còn cho nhiều địa phương trên cả nước.
Nhiều năm nay, bà Khánh cùng tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm đẩy mạnh nghiên cứu những giống hoa, giống rau củ phù hợp với môi trường đô thị để cung cấp cho người dân thành phố. Trong đó, nổi bật là sáng kiến "Xây dựng quy trình sản xuất thử nghiệm cà chua bi nhóm sinh trưởng vô hạn trong nhà màng ứng dụng công nghệ 4.0".
Cà chua bi trồng trong nhà màng được tối ưu hóa bằng các thành tựu công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả sản suất và chất lượng quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn. Công nghệ này còn giúp truy xuất nguồn gốc quả cà chua bi, tăng giá trị sản xuất canh tác nông sản gắn liền với mỗi bữa ăn hằng ngày. Sáng kiến này của bà Khánh được nhiều DN quan tâm và mong muốn được chuyển giao công nghệ để sản xuất quy mô công nghiệp.
Bà Khánh còn là tác giả của giải pháp "Ứng dụng chế phẩm khoáng tự nhiên để cung cấp dưỡng chất cho cây trồng phòng ngừa bệnh virus trên cây họ cà, ớt, dưa, bầu, bí… Theo bà Khánh, việc lạm dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp dần mất đi phần lớn lượng hữu cơ vốn có của đất, khiến đất ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng.
"Giải pháp này có nguồn gốc hữu cơ để tăng sức đề kháng cho cây trồng, nên năng suất và chất lượng sản phẩm cũng tăng từ 20% - 30%. Qua đó, góp phần kiểm soát, tạo ra được các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng và nâng tầm ngành nông nghiệp thành phố" - bà Khánh chia sẻ. Sáng kiến này đã được chuyển giao cho nhiều DN và địa phương, tạo ra nhiều loại rau củ quả chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, trong giờ làm việc
Truyền nghề cho thế hệ trẻ
Nhìn lại thời gian công tác tại trung tâm, điều khiến bà Khánh tự hào nhất vẫn là thu hút và đào tạo hàng trăm lượt cán bộ khoa học trẻ.
Bà Khánh cho biết để phát hiện và đào tạo được một cán bộ khoa học trẻ cho ngành nông nghiệp của thành phố không hề dễ dàng, bởi đa số họ ít quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp. Việc trung tâm đóng tại Củ Chi cách khá xa trung tâm thành phố cũng là một rào cản. Cùng với ban giám đốc trung tâm, bà Khánh đã xây dựng cơ chế hợp lý để thu hút cán bộ khoa học trẻ về làm việc. Những cán bộ có kinh nghiệm tại trung tâm luôn sẵn lòng truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghề cho lớp cán bộ trẻ, khuyến khích họ phát huy tinh thần sáng tạo. Được làm việc trong môi trường thân thiện và thỏa sức sáng tạo với những máy móc hiện đại, nhiều cán bộ trẻ đã trưởng thành về chuyên môn.
Là người được bà Khánh dìu dắt ngay từ khi vào trung tâm làm việc, anh Trần Văn Lâm, Trưởng Phòng Nghiên cứu cây trồng và Vật nuôi, nhận xét: "Chị Khánh là người dễ gần, sẵn sàng san sẻ những kinh nghiệm, tìm cách giải quyết những khó khăn đến cùng với người lao động (NLĐ) trong cơ quan. Trong quá trình nghiên cứu các đề tài, chị luôn động viên và đặt hướng đi cho mọi người là hướng tới mục tiêu làm sao để có những cây trồng, vật nuôi cho chất lượng tốt nhất, năng suất cao nhất và đem lại nguồn lợi nhiều nhất cho người nuôi trồng".
Bà Khánh còn đề xuất lãnh đạo trung tâm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ khoa học trẻ đến các nước có nền nông nghiệp phát triển như: Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Singapore… để tiếp cận những công nghệ tiên tiến về khoa học nông nghiệp. Các hoạt động học tập và nghiên cứu ở nước ngoài giúp họ rèn luyện thêm ngoại ngữ, phương pháp tiếp cận khoa học mới và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực mình phụ trách.
Từ đó giúp cho nền nông nghiệp công nghệ cao của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung có nhiều bước tiến mới theo hướng phát triển bền vững. "Ai cũng có một giai đoạn trẻ, khỏe để cống hiến cho xã hội. Những thành tích mang dấu ấn cá nhân của tôi không quan trọng bằng những gì từ thế hệ cán bộ kế cận đang làm và trưởng thành từng ngày. Chỉ cần họ nhẫn nại và không sờn lòng trước khó khăn" - bà Khánh bày tỏ.
Ngoài chuyên môn giỏi, chị Khánh đặc biệt quan tâm đào tạo cán bộ khoa học trẻ kế cận. Sự tận tâm của chị giúp trung tâm có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng hiệu quả yêu cầu nghiên cứu, chuyển giao công nghệ".
TS PHẠM ĐÌNH DŨNG, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-8
Kỳ tới: Vượt khó để thành công
Bình luận (0)