“Tới giờ này mà chúng ta vẫn còn ngồi bàn, nay mai doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vào, họ cần lao động theo các ngành nghề, tiêu chuẩn đặc thù nhưng TP mình không có thì họ kêu lao động nước ngoài vô làm. Trong khi đó, người tại chỗ lại thất nghiệp”. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, băn khoăn trong buổi gặp gỡ mới đây để lắng nghe ý kiến các chuyên gia nhằm xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP HCM.
Thiếu kỹ năng, ngoại ngữ
Tám ngành có sự chuyển dịch lao động tự do trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. Theo các chuyên gia, người lao động Việt Nam đang thiếu nhiều kỹ năng, tay nghề cần thiết và sẽ gặp bất lợi khi quá trình hội nhập diễn ra sâu hơn trong thời gian tới. Ngoài việc thiếu tiếng Anh, điểm đáng chú ý là lao động Việt Nam còn thiếu tinh thần, thái độ lao động, trong khi nhiều chủ sử dụng lao động chú trọng về thái độ lao động chứ không phải kiến thức hay tay nghề. Nó bao gồm nhiều yếu tố như sự tập trung, yêu nghề, biết ứng xử, tự tin, trung thực, tinh thần kỷ luật…
Là người có hiểu biết sâu rộng về thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, đặt vấn đề: “Trong 8 ngành này, chúng ta có thiếu nhân lực không? Đang thừa nữa là khác. Như ngành kế toán dẫu đang thừa nhưng khi hội nhập AEC sẽ không có nhiều người đáp ứng được. Bởi chất lượng nhân lực cần 3 yếu tố là kiến thức, kỹ năng và thái độ lao động, ngoại ngữ nhưng hiện chúng ta mới đáp ứng được đào tạo kiến thức. Do vậy, khi hội nhập, chúng ta đứng thứ 7 trong ASEAN, chẳng mấy chốc mà tụt sâu hơn”.
Chưa gắn kết nhà trường và doanh nghiệp
“Trước giờ, mọi người cứ nói nhiều việc phải gắn kết DN và nhà trường nhưng vẫn không thực hiện được. Ở đây, TP cần đưa ra một cơ chế, không phải mệnh lệnh hành chính mà khuyến khích hai bên gắn kết, trao đổi qua lại. DN tham gia sẽ được hưởng một nguồn lợi nào đó chứ kêu gọi suông thì họ không chịu làm” - ông Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm tư vấn Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM, nêu.
Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng giám đốc Saigontourist, cho biết cơ chế ở đây là lợi ích, cả hữu hình và vô hình. “Đơn cử như việc đi thực tập của học sinh - sinh viên, thường chỉ diễn ra trong 2 tháng. DN vất vả cầm tay chỉ việc vừa xong là kết thúc nên họ chỉ mất chứ không được gì. Trong khi nếu thời gian thực tập từ 4-6 tháng thì DN sẽ có lợi hơn. Còn lợi ích vô hình thì cũng đa dạng. Hiện nay, nhiều DN rất chú ý đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu thông qua các chương trình thể hiện trách nhiệm với cộng đồng… Nếu chúng ta có cách thức ghi nhận xứng đáng thì họ sẽ tham gia” - ông Hòa nhận định.
Cần sự phối hợp giữa các bên
Đề xuất mô hình 6-6 (6 tháng học ở trường, 6 tháng thực hành ở doanh nghiệp có hưởng lương) song ông Đặng Quốc Hòa, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, cũng băn khoăn: “Hiện nay, có rất nhiều nơi nhà trường không thể xúc tiến cho học sinh đến để trải nghiệm, thực hành như các nghề liên quan tàu biển, bến cảng, sân bay… Vì vậy, rất cần sự can thiệp của nhà nước và xã hội”.
Ở khía cạnh khác, bà Tô Thị Thùy Trang, chuyên gia Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho rằng ngoài người học, cần quan tâm đến vế còn lại là người dạy. Phải tăng thêm các tiêu chuẩn cho người dạy như kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ và cả phương pháp sư phạm. “Cần đào tạo cho giáo viên những phương pháp sư phạm, phương pháp tiếp cận mới cùng với cập nhật kiến thức thường xuyên thì mới đáp ứng được nhu cầu” - bà Trang nhấn mạnh.
Theo đại diện Sở LĐ-TB-XH TP HCM, hiện nay, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn thiếu thông tin và thiếu sự phối hợp giữa các bên. Hơn thế, các thủ tục, quy định còn vướng nhiều, từ khung chương trình cho đến thủ tục để mở một trường dạy nghề… Đơn cử như nhu cầu về điều dưỡng sẽ cao, các nước đang cần, đặc biệt là các lĩnh vực phục vụ cho người lớn tuổi nhưng còn vướng quy định của Bộ Y tế nên vẫn chưa tổ chức dạy nghề được.
“Không thủng thỉnh được”
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, để đào tạo nhân lực chất lượng cao, cần làm rõ các tiêu chuẩn chất lượng này là gì? Chuẩn nghề là gì? Chuẩn tiếng Anh là gì, các kỹ năng ra sao? Chưa xác định được những chuẩn này thì không thể xác định được thế nào là chất lượng cao. Thêm nữa, phải tính cụ thể dạy xong rồi đi đâu? Ai cần mình, nhu cầu ra sao? Không thể làm ào ào vội vã nhưng cũng không thủng thỉnh được.
Bình luận (0)