Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với BHXH TP.HCM về góp ý sửa đổi dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới đây, ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP đề xuất nên tiến tới hình thức để người lao động tự chuyển phần đóng BHXH của mình (8% tiền lương căn cứ đóng BHXH) cho cơ quan BHXH nhằm giảm thiệt hại khi xảy ra tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Theo ông Hiệp, hiện nay, doanh nghiệp sẽ khấu trừ lương hàng tháng của người lao động để đóng BHXH. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã khấu trừ lương của người lao động nhưng chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm dẫn đến người lao động thiệt thòi quyền lợi. "Trong thời buổi công nghệ phát triển, các ứng dụng thanh toán được sử dụng rộng rãi thì khi được chuyển lương, người lao động sẽ làm thao tác chuyển ngay tiền đóng BHXH cho cơ quan BHXH giống như thao tác thanh toán tiền điện, nước trên các ứng dụng trực tuyến. Với phương thức để người lao động tự chuyển phần đóng BHXH của mình cho cơ quan BHXH thì doanh nghiệp có muốn nợ cũng không nợ được"- ông Hiệp nói.
Ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP HCM phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM
Đề xuất này được các chuyên gia đánh giá là khá mới mẻ, song vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, cho rằng khi thực hiện phương thức này có thể dẫn đến nguy cơ bị người lao động "xù" tiền, "Tuy nhiên, nếu người lao động giữ được tiền đó thì tôi vẫn mừng hơn là bị doanh nghiệp chiếm dụng"- bà Lan chia sẻ.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nhìn nhận đề xuất này khá mới mẻ song cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ về tính khả thi. Nhất là nếu phát sinh trường hợp người lao động không đóng thì phải giải quyết thế nào? Ông Triều ví dụ nếu như hiện nay, 1 doanh nghiệp đóng cho 10.000 lao động, khi xảy ra tình trạng nợ, cơ quan chức năng sẽ chỉ xử lý 1 doanh nghiệp. Nhưng nếu thực hiện phương thức để người lao động tự đóng phần của mình, nếu cả 10.000 lao động này không đóng, cơ quan BHXH sẽ phải xử lý khoản nợ của 10.000 người, rất khó khăn.
Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM
Đồng tình với ý kiến ông Triều, bà Trương Thị Lĩnh, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Wooyang Vina II (quận 12, TP HCM), nhận định đề xuất này không khả thi bởi không phải người lao động nào cũng rành công nghệ và có phương tiện để thực hiện. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn có một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của BHXH, nên dù việc đóng BHXH là bắt buộc họ vẫn thỏa thuận với doanh nghiệp làm việc dưới hình thức thời vụ để trốn đóng BHXH. Cho nên nếu để người lao động tự giác đóng thì nguy cơ họ không đóng là khá cao. "Việc đóng BHYT đầu năm học là nhằm đảm bảo quyền lợi cho con mình khi khám chữa bệnh mà nhiều người còn trì hoãn việc tham gia thì việc để họ tự chuyển BHXH cho cơ quan BHXH chắc sẽ khó khả thi hơn nữa. Đồng thời, một khi người lao động không đóng thì việc tìm kiếm họ để xử lý sẽ khó hơn nhiều so với việc tìm doanh nghiệp"- bà Lĩnh phân tích.
Thay vì thực hiện phương thức thu mới để hạn chế tình trạng nợ BHXH, bà Lĩnh cho rằng nên rút ngắn thời gian xử lý và tăng chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp nợ BHXH. Việc để doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài, số tiền nợ ngày càng lớn sẽ càng mất khả năng chi trả.
Bình luận (0)